Foxconn với "binh đoàn" robot

09/08/2011 10:15 GMT+7

(ictworld.vn) - Khi nhu cầu càng tăng cao, Foxconn chuyển lên dây chuyền sản xuất tự động. Nhưng liệu đó có phải là bước đi phù hợp cho một nhà máy sản xuất Trung Quốc hiện thời với hơn 1 triệu nhân công?

Theo tờ The Economist, có thể xem Foxconn (còn có tên khác là Hon Hai) là một trong vài công ty có lượng nhân công nhiều bậc nhất tại Trung Quốc với hơn 1 triệu người. Công ty khổng lồ này “nổi tiếng” có lẽ vì họ chuyên sản xuất, gia công thiết bị cho các công ty của Âu Mỹ, mà quen biết tiếng nhất là gia công cho Apple với số lượng thiết bị rất lớn và giá nhân công rẻ. Mô hình thành công này của Foxconn có vẻ khá trơn tru cho tới khi xảy ra những sự việc không mong muốn trong vài tháng gần đây.

Vào cuối tháng 7 vừa rồi, ông Terry Gou, CEO của công ty Đài Loan này tiết lộ họ đang có kế hoạch thuê 1 triệu robot vào năm 2013. Trong một phát biểu, Foxconn có đề cập đến việc chuyển dịch công nhân lên một cấp cao hơn để họ làm việc trong những lĩnh vực có tính chuyên môn cao hơn như nghiên cứu, phát triển... Nhưng rõ ràng nếu vậy, nhiều công nhân khác sẽ mất việc.

Robot dễ quản lý, kiểm soát. Vài công nhân Foxconn tự tử, mà trường hợp gần đây nhất là một công nhân 21 tuổi nhảy lầu hồi cuối tháng 7. Trong khi tháng 5, một vụ nổ đã xảy ra tại một nhà máy mới của Foxconn tại Chengdu, làm 3 người thiệt mạng, làm lô hàng iPad của Apple phải bị hoãn lại. Và để xoa dịu cho nhân công, Foxconn cũng đã đưa ra nhiều biện pháp như nâng lương, cải thiện cơ sở làm việc như chính quyền Trung Quốc yêu cầu, nhờ tư vấn và trang bị cả... lưới bảo vệ để ngừa trường hợp có ai đó khác tự tử.

Thế mạnh của Trung Quốc lâu nay là họ luôn có được một nguồn nhân lực giá rẻ, dồi dào. Nhưng khi đất nước ngày một giàu hơn thì nhân công có tay nghề cao, kỹ thuật viên... lại là một nhu cầu rất bức thiết đối với các công ty. Quyết định của Foxconn đầu tư vào robot và nhân công trình độ cao là hợp lý, đúng xu thế và nhiều công ty nhỏ hơn tại Trung Quốc cũng đi theo mô hình mới này.

Nhưng quá trình chuyển đổi của Foxconn có thể không suôn sẻ. Công ty rất thành thục trong việc quản lý nhân công giá rẻ để sản xuất ra hàng hoá với số lượng lớn cho nhiều công ty thiết kế trên toàn cầu, nhưng chưa quen với việc quản lý, điều hành công nhân trình độ cao và dây chuyền sản xuất tự động. Và chuyển sang mô hình tự động hoá này, Foxconn gặp phải sự cạnh tranh của các công ty chuyên sản xuất trên dây chuyền tự động.

Tăng lương là điều tốt cho công nhân. Nhưng tăng lương cũng nảy sinh những câu hỏi. Liệu sản phẩm “made in China” có còn mang mức giá “made in China” nữa không? Liệu các công ty đa quốc gia có còn xem Trung Quốc là nhà máy sản xuất giá rẻ nữa không hay là họ tìm kiếm đối tác khác ngoài Trung Quốc? Liệu công ty Trung Quốc có nhanh chóng chuyển sang dây chuyền sản xuất tự động hoá? Những điều này hoàn toàn có thể, nhưng robot Trung Quốc có thể không phải lúc nào cũng rẻ hơn robot ở những nơi khác.

Cuối cùng, liệu việc chuyển sang mô hình tự động hoá này sẽ đuổi công nhân giá rẻ ra đường? Chắc chắn chính quyền Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi của Foxconn.