Google - CEO mới và những thách thức

21/04/2011 10:07 GMT+7

<FONT size=2>(Thế Giới @) - Larry Page không phải là người mới tại Google. Nhưng với vai trò mới - CEO - người đồng sáng lập một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay, đã bắt đầu gặp nhiều áp lực cùng các thách thức mới</FONT>

Sức ép từ cổ đông

Trong cuộc họp báo cáo tình hình kinh doanh quý định kỳ dài khoảng 1 giờ vừa diễn ra vào ngày 14-4, Larry Page - vốn không có trong kế hoạch thuyết trình chính thức - chỉ “góp chuyện” khoảng 2 phút 30 giây. Trong đoạn trò chuyện ngắn vào khoảng đầu buổi của mình, vị CEO 38 tuổi cho biết ông hài lòng với kết quả kinh doanh của hãng - với doanh số tăng 27% trong quý I - và tin tưởng vào sức phát triển đang đến hồi mạnh mẽ của Google.

Từ trái qua, Eric, Larry và Sergey bên chiếc xe tự hành do Google sáng chế

Tuy nhiên, không ít cổ đông lớn của Google không hoàn toàn hài lòng với những gì đang diễn ra. “Điều làm cổ đông không an tâm là trong khi chi phí bỏ ra tăng quá cao so với mọi ước lượng thì đồng thời chúng tôi lại nhận những báo cáo rằng mọi thứ đang rất tuyệt” - Bob Rice, nhà đồng điều hành quỹ đầu tư Tangent Capital Partners LLC, một cổ đông lớn của Google - cho biết.

Các nhà đầu tư lo lắng cũng không lạ khi chỉ trong quý I năm 2011, chi phí vận hành của Google đã tăng 54%, khoảng tăng lớn nhất trong 3 năm qua, chủ yếu do việc mở rộng thêm bộ máy nhân sự và đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị. Đến cuối quý, toàn công ty hiện có 26.316 nhân viên, tăng 7,9% so với tháng 12. Chi phí nghiên cứu và phát triển tăng 50% so với năm trước trong khi các hoạt động tiếp thị tăng 69%.

Larry Page - CEO mới của Google

Ryan Jacob - nhà đầu tư chính của Jacob Funds, cũng là một cổ đông của Google - nói: “Wall Street ghét sự không minh bạch. Để đảm bảo mọi người hiểu rõ định hướng của một công ty, người ở vị trí CEO cần có những giải thích cụ thể hơn nữa về các dự án của công ty mình”.

Sức ép từ đối thủ

Trong thời điểm này, Google đang đối mặt với nhiều thách thức ngày một gia tăng từ các đối thủ. Facebook đang phát triển mạnh và nhiều nguồn tin cho rằng hãng này đang có khả năng phát triển tại Trung Quốc với sự hợp tác của “đại gia” Baidu. Các hình thức kinh doanh - quảng cáo mới như Groupon (mua hàng hóa, dịch vụ theo nhóm để hưởng giá ưu đãi) cũng tạo sức ép không nhỏ, buộc các hãng phải có sự thay đổi chiến lược kinh doanh thường xuyên nếu không muốn tụt hậu. Mới nhất, ý định mua lại bộ bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ vô tuyến từ Nortel Network (Canada) của Google cũng đang bị RIM cản trở. Khoảng 6.000 bằng sáng chế này đang được Nortel chuẩn bị bán theo hình thức đấu giá, bao gồm cả các bằng sáng chế công nghệ video vô tuyến hay LTE (công nghệ mạng 4G), có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với cả ngành viễn thông lẫn các nhà sản xuất thiết bị di động. Google đã đưa giá 900 triệu USD cho bộ hồ sơ này và theo các nguồn tin, RIM (nhà sản xuất BlackBerry) sẽ nhảy vào cuộc đấu giá vào ngày 20-6 tới. Trong khi đó, để tránh gặp phiền phức về các vấn đề sử dụng công nghệ trong sản phẩm của mình, cũng như tránh phải trả phí bản quyền, các công ty công nghệ - bao gồm các nhà sản xuất điện thoại di động - có lẽ sẽ phải cùng góp vốn để tham gia cuộc đấu giá.

... Và từ các nhà làm luật

Mặt khác, về phía các nhà làm luật, Google cũng không gặp thuận lợi từ đầu năm đến nay. Tại Châu Âu, các vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân người dùng Internet đang bị các tòa án xem xét kỹ lưỡng nhằm tránh tình trạng người dùng bị khai thác thông tin cho các quảng cáo “đo ni đóng giày” mà không hay biết.  

Trong vụ kiện liên quan đến các “sponsored ad”, nếu thua có thể Google sẽ bị buộc phải thay đổi chính sách bán quảng cáo dựa trên từ khóa (keyword) của mình để tránh tình trạng các đối thủ mua từ khóa là thương hiệu của nhau

Vào tháng 3 vừa qua, cũng tại Châu Âu, một vụ kiện liên quan đến các “sponsored ad” trên Google giữa hai công ty dịch vụ về hoa tươi cũng gây trở ngại cho hình thức bán quảng cáo trên từ khóa trên trang tìm kiếm này. Trong vụ kiện này, dịch vụ giao nhận hoa Interflora không đồng ý cho đối thủ khổng lồ Marks & Spencer sử dụng từ “Interflora” cho các kết quả tìm kiếm có trả phí trên Google. Tuy chưa ngã ngũ, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề kết quả tìm kiếm dựa trên các từ khóa có trả tiền của Google bị đưa ra xem xét. Trong trường hợp xấu, có thể Google sẽ bị buộc phải thay đổi chính sách bán quảng cáo dựa trên từ khóa (keyword) của mình để tránh tình trạng các đối thủ mua từ khóa là thương hiệu của nhau.

Những dịch vụ khác của Google cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Tại Mỹ, tham vọng số hóa toàn bộ sách in của nhân loại đang bị trì hoãn sau khi tòa bác bỏ thỏa thuận giữa Google và một nhóm các nhà xuất bản. Trong khi đó Google Street View đang gặp nhiều trở ngại từ các quốc gia đòi hỏi sự tôn trọng quyền bảo mật cá nhân tại Châu Âu. Ở Đức, chính quyền đang theo ý người dân và chuẩn bị ra luật buộc Google phải xóa toàn bộ gương mặt và biển số xe trên đường trong các ảnh chụp Street View. Song song đó, hãng cũng được yêu cầu phải thông báo trước vài tuần về lịch trình cụ thể cho người dân trong khu vực có xe chụp hình Street View.

Thay đổi để phát triển

Trong khi sức ép ngày càng gia tăng, Larry Page cũng có những chuyển động của mình. Tuần đầu tiên sau khi lên nắm vai trò CEO, ông đã đưa 7 giám đốc của mình lên các vị trí quan trọng hơn, trong đó có Andy Rubin - người đang phát triển bộ phận di động - và Vic Gundora - người đang nắm giữ định hướng về mạng xã hội. Các thay đổi về cơ cấu quản lý của Larry Page, theo đó mỗi giám đốc sẽ nắm một nhóm sản phẩm và báo cáo trực tiếp cho ông, đều nhằm tạo thuận lợi, thông suốt trong phát triển sản phẩm.

Hiệu quả của các thay đổi này còn nằm trong tương lai, nhưng một số dự án của Google đến nay đang bắt đầu có kết quả rất khả quan. Ví dụ như HTC vừa công bố đã qua mặt Nokia để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ ba thế giới về mặt giá trị thị trường, và đây chính là thành quả của hệ điều hành Android của Google. Bên cạnh điện thoại di động, hiện cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn các thiết bị di động như máy tính bảng, ereader... chạy trên nền Android OS.

Morris Mark - chủ tịch tập đoàn tư vấn đầu tư Mark Asset Management - nói trong một buổi phỏng vấn với hãng tin Bloomberg: “Tôi thích việc Larry tái cấu trúc lại các bộ phận, cho họ nhiều tự do hơn chính là tạo nên sức đẩy cho những sáng tạo mới mẻ”. Dĩ nhiên Larry Page còn cần phải chứng tỏ mình ở vai trò mới, tuy nhiên, nếu dựa trên lịch sử giới công nghệ, ông có nhiều khả năng trở thành CEO thành công như trường hợp của Bill Gates với Microsoft hay Steve Job tại Apple.

 

Chuyển giao quyền lực

Larry Page (trái) và Eric Schmidt (phải) - hai thế hệ CEO của Google

Eric Schmidt gia nhập Google với vai trò CEO của hãng từ năm 2001. Sau mười năm điều hành, tháng 1-2011, Eric Schmidt tuyên bố rút lui “nhường” ghế lại cho đồng sáng lập Larry. Hai đồng sáng lập của hãng Google gồm Larry Page và Sergey Brin. Lý do cho cuộc chuyển đổi này, theo Eric, để Larry đưa ra những quyết định nhanh hơn.

Larry Page trở thành giám đốc điều hành (CEO) từ ngày 4-4. Trước khi trở thành CEO, Larry Page điều hành nhóm phát triển sản phẩm và chiến lược công nghệ. Trong vai trò mới, cùng với những thế mạnh trong công việc trước đó, Larry sẽ hợp nhất các công nghệ của Google với tầm nhìn kinh doanh xuất sắc của mình. Trong khi đó Sergey vẫn giữ vai trò là người đồng sáng lập và sẽ dành nhiều thời gian cho các dự án chiến lược.

Người tiền nhiệm trước đó - Eric Schmidt tuy “nhường” ghế cho Larry Page nhưng vẫn sẽ giữ một vai trò quan trọng trong ban giám đốc. “Tôi sẽ tập trung vào bất cứ nơi nào mà tôi có thể làm tăng thêm giá trị lớn nhất cho Google. Bên ngoài, thực hiện các giao dịch, quan hệ đối tác khách hàng và tiếp cận những dự án chính phủ. Trong nội bộ với vai trò như là một cố vấn cho Larry và Sergey” - Eric Schmidt viết trong một thông báo đăng trên blog của Google.

A. KHÔI