Khám phá vệ tinh Vinasat 2

09/10/2010 11:22 GMT+7

Dự kiến, tháng 4/2012, vệ tinh Vinasat 2 sẽ được đưa vào khai thác với vốn đầu tư là 300 triệu USD. Đây là vệ tinh thứ 2 của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo.

Tên lửa Ariane 5 phóng thành công vệ tinh Vinasat 1

Công suất lớn hơn, nhiều bộ phát đáp hơn Vinasat 1

Ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban QLDA các công trình viễn thông, thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, chủ đầu tư dự án vệ tinh Vinasat 2 cho biết, nhà thầu thi công sản xuất vệ tinh vẫn là công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems thuộc Tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ.

Vinasat 2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100. Vệ tinh Vinasat 2 có công suất lớn hơn, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn với 24 - 30 bộ phát đáp, do đó có dung lượng băng tần nhiều hơn và tập trung vào băng tần Ku. Bộ phát đáp là từ để chỉ một bộ phận quan trọng trên vệ tinh viễn thông. Cấu trúc của nó gồm bộ lọc thông dải và một bộ khuếch đại công suất. Có thể xem bộ phát đáp như trái tim của một kênh truyền qua vệ tinh.

Vùng phủ sóng chỉ bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar. Hai hệ thống băng tần được sử dụng trong vệ tinh là băng tần C và Ku. Băng tần C (6/4 GHz) được sử dụng phổ biến trong các mạng FSS vì điều kiện truyền sóng thuận lợi (ít bị ảnh hưởng do mưa) và thiết bị dễ chế tạo.

Băng tần Ku thay đổi rộng tuỳ thuộc vào ứng dụng, cho phép sử dụng ăng ten trạm mặt đất nhỏ, tới 1 mét hoặc nhỏ hơn nữa. Điều đó cho phép ăng ten trạm đất có thể đặt ở nhà khách hàng, giảm giá thành chi phí và tạo điều kiện phát triển các ứng dụng, phù hợp với ứng dụng như phát thanh truyền hình quảng bá tới tận nhà và dịch vụ cho các mạng thông tin thương mại.

Vinasat 2 là một vệ tinh viễn thông địa tĩnh, sau khi phóng lên có thể cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh để phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết, đảm bảo an ninh quốc phòng... Đặc biệt cung cấp đường truyền thông tin cho các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, đường truyền cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà các phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được.

Sẽ có thêm Vinasat 3, 4, 5...

Ông Hoàng Minh Thống cho biết, các thế hệ vệ tinh tiếp theo cũng sẽ được triển khai theo tiến trình logic của xây dựng hệ thống vệ tinh viễn thông quốc gia. Để được phóng vệ tinh, trước tiên phải đăng ký vị trí quỹ đạo với Liên minh Viễn thông quốc tế.

Theo báo cáo của Lãnh đạo VNPT, từ tháng 7/2009, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chính thức giao VNPT sử dụng vị trí quỹ đạo dành cho vệ tinh Vinasat 2 - là 1 trong 3 quỹ đạo vệ tinh mà Cục Tần số Vô tuyến điện đã đăng ký thành công trong năm 2008 và dự kiến giao cho VNPT triển khai dự án phóng vệ tinh Vinasat 2: quỹ đạo 107 độ Đông. Được biết, Việt Nam đã đăng ký 7 vị trí quỹ đạo, trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm Vinasat 3, Vinasat 4...

Vinasat 2 sẽ phát triển các dịch vụ cho thuê băng tần vệ tinh: cung cấp khách hàng trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh hoặc thuê lẻ dung lượng sử dụng cho các mục đích kinh doanh hoặc phục vụ công ích.

Kênh thuê riêng cho các doanh nghiệp như phát hình lưu động, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, kênh thuê riêng cho thông tin di động, đường truyền cho nhà cung cấp dịch vụ internet, điện thoại vùng sâu vùng xa... Đặc biệt Vinasat 2 sẽ hỗ trợ hiệu quả cho công tác thông tin phục vụ phòng chống và ứng cứu đột xuất khi xảy ra bão lũ, thiên tai...

Dung lượng truyền dẫn của Vinasat 2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Lockheed Martin sẽ bàn giao cho VNPT trên quỹ đạo tại vị trí 131,8 độ Đông sau 24 tháng, tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Nghĩa là, vào khoảng tháng 5/2012, Vinasat 2 sẽ được phóng lên quĩ đạo. Ở lần phóng này, VNPT sẽ sử dụng tên lửa Ariean 5, là loại tên lửa tốt nhất hiện nay. Vinasat 2 sẽ được điều khiển bởi trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) và trạm dự phòng đặt ở Bình Dương.