Làm chủ nhiều công nghệ ICT hiện đại

25/03/2011 09:53 GMT+7

<FONT size=2>Chip vi xử lý RISC 32bit VN1632-01, hệ thống tổng hợp tiếng nói tích hợp cho các cổng tiếng nói, hệ thống an ninh BioPKI... chỉ là một phần trong rất nhiều kết quả nghiên cứu được tạo ra từ chương trình khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010 “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)” (KC.01/06-10).</FONT>

Chip vi xử lý RISC 32bit VN1632-01

Những kết quả nghiên cứu này đã tạo ra các bước đổi mới tích cực về công nghệ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, đưa Việt Nam tiếp cận trình độ KHCN tiên tiến trong khu vực.

Vừa qua tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm chương trình KC.01/06-10 đã phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ KH&CN tổ chức lễ tổng kết chương trình KC.01/06-10. GS.TS Nguyễn Thúc Hải, Chủ nhiệm chương trình cho biết: Chương trình đã đưa vào thực hiện 22 đề tài và 2 dự án sản xuất thử nghiệm với nhiều nội dung nghiên cứu đa dạng liên quan đến hạ tầng ICT, công nghiệp ICT và các dịch vụ ứng dụng ICT. Các sản phẩm nghiên cứu của đề tài, dự án thuộc chương trình đã tiếp cận được trình độ KHCN của khu vực và thế giới, có khả năng chuyển giao công nghệ và ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần phát triển thị trường KHCN và nguồn nhân lực có trình độ cao về ICT.

Sau 5 năm triển khai, chương trình đã cho ra đời 34 thiết bị linh kiện và 56 phần mềm, chế tạo theo quy trình công nghệ hiện đại, có chất lượng tương đương các sản phẩm cùng loại được sản xuất ở nuớc ngoài. Nhiều đề tài nghiên cứu đã làm chủ được các công nghệ lõi để phát triển các sản phẩm phần mềm có chất lượng và hiệu năng cao. Chẳng hạn các chip vi xử lý (chip vi xử lý RISC 8bit VN8-01, chip vi xử lý RISC 32bit VN1632-01 được coi là bước tiến mới của ngành công nghệ vi mạch Việt Nam), các thiết bị laser dùng cho y tế và phục vụ an ninh quốc phòng (hệ thống kính hiển vi huỳnh quang đồng tiêu quét laser chiếu ngược…), các sản phẩm xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, xử lý thông tin đa phương tiện, ứng dụng trên công nghệ web (hệ thống tổng hợp tiếng nói cho người khiếm thị, hệ thống tổng hợp tiếng nói tích hợp cho các cổng tiếng nói…), các giải pháp, hệ thống an toàn an ninh mạng (BioPKI…). Chương trình cũng đã đào tạo được 27 tiến sĩ, 127 thạc sĩ, cử nhân khoa học, công nghệ có khả năng tiếp nhận, phát triển và ứng dụng ICT tiên tiến vào thực tiễn Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước.

GS.TS Nguyễn Thúc Hải cũng cho hay, hiện đã có 3 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ và 11 sản phẩm có triển vọng đăng ký sở hữu trí tuệ sau khi chính thức kết thúc chương trình (quý I/2011). Nhưng ông Hải cũng chia sẻ, con số triển vọng trên cũng chưa chắc chắn vì các sản phẩm nghiên cứu cần có thời gian thử nghiệm, hoàn thiện truớc khi đăng ký sở hữu trí tuệ, và việc đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn là một việc mới mẻ nên quy trình đăng ký chưa thực sự hợp lý và thuận lợi đối với các tác giả công trình, sản phẩm (chẳng hạn đối với phần mềm máy tính).

Trong giai đoạn 2011-2015, theo GS.TS Nguyễn Thúc Hải, để chương trình phát huy hiệu quả hơn cần xem xét cải tiến quy trình xác định nhiệm vụ nghiên cứu cho từng năm vì đây là khâu trọng yếu quyết định các chương trình có đạt được các mục tiêu và nội dung đã được phê duyệt hay không. “Việc xác định nhiệm vụ trong các giai đoạn vừa qua chủ yếu theo kiểu “may đo”, thu thập các đề xuất của các đơn vị, cá nhân rồi thành lập các hội đồng tư vấn để xem xét. Tỷ trọng các nhiệm vụ do Nhà nước, doanh nghiệp chủ động “đặt hàng” còn rất thấp. Ngoài ra, việc kế hoạch hóa cứng nhắc không cho phép bổ sung nhiệm vụ khi thực sự có nhu cầu cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng chương trình”, ông Hải nhấn mạnh.

Trong thời gian tới nên tập trung nghiên cứu phát triển các hệ thống mặt đất phục vụ khai thác hệ thống vệ tinh Vinasat; các giải pháp kiểm soát an ninh thông tin và chất lượng dịch vụ mạng; các thiết bị đầu cuối viễn thông, ưu tiên các thiết bị di động thông minh (tích hợp nhiều dịch vụ trên nền công nghệ 3G); các hệ thống phần mềm nhúng phục vụ cho công nghiệp ICT.