Theo đánh giá của các đại biểu, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam hiện vẫn được đánh giá là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển. Tính đến thời điểm này đã có 44 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 doanh nghiệp được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát và còn rất nhiều doanh nghiệp hoạt động "không phép".
Đặc biệt, từ sau ngày 11/1/2012, thời điểm thị trường chuyển phát Việt Nam mở cửa hoàn toàn, cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia kinh doanh dịch vụ theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Dự báo nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm cách thôn tính, mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong nước đã cổ phần hóa. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước bởi vì các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát Việt Nam hiện nay hoạt động với mạng lưới độc lập, vốn ít, đầu tư không sâu... và khó xây dựng được thương hiệu.
Từ thực tế trên, các giải pháp được các đại biểu đưa ra nhằm khuyến khích thị trường bưu chính trong nước phát triển đó là: doanh nghiệp trong nước cần hợp tác để sử dụng chung cơ sở hạ tầng; khai thác hết năng lực của từng tuyến đường; phân công mở mạng lưới tại các tỉnh...
Đặc biệt, các đại biểu đều nhất trí với đề xuất của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel về việc thành lập Hiệp hội Bưu chính chuyển phát nhằm thống nhất quan điểm kinh doanh, hạn chế làm rối loạn thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiệp hội Bưu chính chuyển phát ra đời sẽ đóng vai trò là một cơ quan trung gian giải quyết các vấn đề vướng mắc trong nội bộ hiệp hội và các doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài; tập hợp ý kiến, nghiên cứu, đánh giá và thực hiện các đề xuất với cơ quan nhà nước về chính sách quản lý.
Đồng thời, Hiệp hội cũng tham gia vào việc tư vấn cho các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn. Về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ đi kèm với các chế tài xử phạt.