Nguồn tin từ VECOM xác nhận, Ban chấp hành Hiệp hội đã quyết định chấm dứt tư cách thành viên của Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến (website Muaban24, còn gọi là MB24) sau khi tìm hiểu thấy cách thức kinh doanh của công ty này gây dư luận không tốt.
Muaban24 không được cả cơ quan quản lý lẫn hiệp hội nghề nghiệp thừa nhận là mô hình hoạt động thương mại điện tử
Quyết định này được công bố ngày 25-7, nhưng trước đó đã được gửi tới Công ty này. Trong văn bản nêu rõ, Muaban24 "có những biểu hiện hoạt động không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín của Hiệp hội và làm giảm niềm tin của cộng đồng người dùng đối với thương mại điện tử".
Trước đó, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công thương) cũng có văn bản gửi Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến (MB24) nêu rõ nhiều điểm không phù hợp trong quy chế hoạt động của công ty này không phù hợp với quy định hiện này của Thông tư 46/2010/TT-BCT của Bộ Công thương về quản lý thương mại điện tử.
Cụ thể, quan hệ giữa công ty và khách hàng bao gồm nhiều giao dịch khác nhau, ngoài giao dịch mua-bán hàng hóa, dịch vụ thì còn có quan hệ giao dịch hàng hóa, dịch vụ cho công ty và hưởng hoa hồng.
Văn bản do Cục trưởng Trần Hữu Linh ký, ghi rõ mô hình hoạt động phức hợp trong đó các thành viên website tham gia môi giới, kiếm lời từ hoa hồng trả cho việc giới thiệu người tham gia. Chính vì thế, Cục đã không xác nhận việc đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử đối với website muaban24.vn của công ty này.
Thời gian qua, sau nhiều phản ánh liên tục của bạn đọc cả nước về những dấu hiệu biến tướng, có tính chất lừa đảo của Muaban24, báo Dân trí đã có loạt bài phản ánh về hoạt động của doanh nghiệp này.
Theo đó, với mạng lưới hàng nghìn “hội viên” có mặt ở hầu khắp các tỉnh trên cả nước, Muaban24 đã lôi kéo nhiều người mua gian hàng với danh nghĩa “đào tạo thương mại điện tử”. Rất nhiều người, có nông dân nghèo, sinh viên, tiểu thương… đã bỏ tiền mua gian hàng của Muaban24 và sa vào nợ nần.
Sau các bài báo của Dân trí, một số “hội viên” của Muaban24 đã từ bỏ mạng lưới này, đến tận tòa soạn báo phản ánh, viết thư cảnh tỉnh tới các “hội viên” khác chấm dứt việc lôi kéo những người có nhận thức hạn chế tham gia vào đường dây này để hưởng lợi từ số tiền 5,2 triệu/gian hàng mà các nạn nhân bỏ ra.
Đến nay, mặc dù Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, VECOM đã có những động thái cụ thể để lột trần chân tướng của hành vi mua bán đa cấp trá hình núp bóng thương mại điện tử của Muaban24, dư luận trong cả nước vẫn chờ những động thái mạnh mẽ hơn để ngăn chặn mô hình này tiếp tục lan rộng và thu lợi từ hoạt động không được pháp luật thừa nhận của Muaban24.
Muaban24 âm thầm xóa dấu thông tin sai sự thật?
Đến nay, sau khi báo Dân trí đăng tải thông tin về các hoạt động có dấu hiệu thiếu lành mạnh, gây tổn hại cho người dân trên diện rộng, hiện website Muaban24.vn đã âm thầm cắt bỏ dòng chữ “Sàn giao dịch Thương mại Điện tử” trên website của mình.
Trước đó, tháng 3/2012, mặc dù Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin đã chính thức trả lời Công ty này về việc không xác nhận đăng ký sàn giao dịch TMĐT đối với Muaban24, website này cũng như đội ngũ “hội viên” của Muaban24 vẫn tiếp tục rêu rao về TMĐT, có các hoạt động “đào tạo” rộng rãi về TMĐT mà bản chất là lôi kéo những người mới bỏ tiền tham gia vào mạng lưới này.
Trao đổi với Dân trí, các luật sư cho rằng đây là dấu hiệu của hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bởi Muaban24 đã đưa thông tin sai sự thật, khiến những người tham gia tin tưởng rằng Muaban24 là sàn giao dịch TMĐT được công nhận, nên quyết định tham gia và mất tiền. |