Ngôi vị của Samsung lung lay

19/12/2013 07:40 GMT+7

(ictworld.vn) - Samsung là kẻ thống trị thị trường công nghệ di động trong năm 2013. Tuy nhiên, hãng này đang bị thách thức nếu cứ luôn làm “kẻ chạy theo”

Hãng công nghệ Hàn Quốc Samsung vốn là một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử và các thiết bị điện gia dụng. Khi làn sóng công nghệ di động tràn đến, nhờ chiến thuật làm một kẻ chạy theo xu hướng công nghệ vô cùng xuất sắc, Samsung đã vượt qua những công ty gạo cội như Apple, Microsoft để trở thành “con quái vật” trong làng công nghệ. Tuy nhiên, ngôi vị dẫn đầu thị trường di động của Samsung chưa bao giờ chắc chắn.

Kẻ chạy theo kiệt xuất

Mô hình của Samsung khác biệt với các hãng công nghệ phương Tây khi có khả năng tự sản xuất linh kiện, lắp ráp thành sản phẩm và đóng gói bán ra. Mô hình này khác với Apple, vốn thực hiện thiết kế phần mềm, phần cứng nhưng thuê các công ty khác sản xuất. Chính mô hình này của Samsung đã tạo ra lợi thế vô cùng to lớn, giúp họ xoay chuyển rất nhanh để thích ứng với thị trường.
Liệu Samsung có thể trở thành một hãng sáng tạo các xu hướng công nghệ mới? Nguồn: New York Times

Cứ mỗi khi có phát kiến công nghệ mới gây được cảm tình với người tiêu dùng, Samsung nhanh chóng tung ra các sản phẩm. Với khả năng tự lực nghiên cứu và sản xuất, Samsung có thể nắm bắt gần như tất cả những gì được xem là tốt nhất của công nghệ. Thế là người tiêu dùng bị vây quanh bởi hàng loạt các sản phẩm công nghệ từ Samsung, đáp ứng được tất cả các mức giá và có mặt ở bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Khi smartphone (điện thoại thông minh) được ưa chuộng, Samsung tung ra dòng Galaxy với các tính năng và giá trị ngang ngửa với những sản phẩm cao cấp nhất. Đến khi Apple tạo ra xu hướng về máy tính bảng, Samsung cũng bám sát theo với dòng máy tính bảng của riêng mình. Khi xu hướng đồng hồ thông minh smartwatch vẫn còn đang ở trong giai đoạn phát triển sơ khai thì Samsung smartwatch đã có mặt!

Đó là chưa kể cách làm marketing ào ạt của công ty này. Ngân sách chi cho quảng cáo của Samsung hiện đã vượt qua cả các công ty khổng lồ như Coca-Cola. Samsung đã dễ dàng qua mặt các đối thủ như HTC, thậm chí còn đánh bại cả Apple. Dĩ nhiên, kiểu chạy theo này làm cho Samsung bị dính vào rất nhiều các vụ kiện tụng tranh chấp bản quyền sáng chế nhưng dù sao họ cũng lập được vị thế trên thị trường.

Vất vả đổi mới

Với chiến thuật “ăn theo” như thế, Samsung đã không cần tích cực tìm tòi hay sáng chế công nghệ mới. Tuy nhiên, khi đã thành công, họ giật mình vì đã đến lúc không thể làm như vậy được nữa mà phải sáng tạo.

Samsung đang mở chiến dịch gấp rút để tìm kiếm các xu hướng công nghệ mới, mà đồng hồ thông minh Galaxy Gear chính là sản phẩm sáng tạo đầu tiên. Vào lúc chưa hãng công nghệ lớn nào đưa ra giải pháp cho thể loại sản phẩm này thì Samsung đã nhanh chóng tung ra Galaxy Gear như một sản phẩm thời thượng. Samsung muốn sản phẩm này đại diện cho xu hướng smartwatch mới. Dù với hơn 800.000 máy Galaxy Gear được bán ra trong hai tháng đầu ra mắt nhưng nó vẫn bị đánh giá thấp, khó có thể cạnh tranh với iWatch của Apple đang được phát triển và sẽ được tung ra trong năm 2014.

Trong khi đó, các sản phẩm khác của Samsung đang tìm cách đi tiên phong cũng không khả quan. TV màn hình OLED, điện thoại màn hình cong... đều là những sản phẩm độc đáo nhưng không mấy hữu ích. Sự vất vả tìm kiếm giải pháp đột phá của Samsung đã bắt đầu làm giảm niềm tin của giới đầu tư. Giá cổ phiếu của hãng này đang có dấu hiệu đi xuống.

Những mối đe dọa tiềm tàng

Thị trường công nghệ năm 2014 sẽ hoàn toàn khác so với năm 2013. Nhiều cái tên mới đang dần nổi lên, trong đó có các đối thủ đến từ Trung Quốc như Xiaomi với các sản phẩm giá rẻ, dễ tiếp cận và có chất lượng cao. Trong khi các công ty một thời lắng dịu cũng đang nhăm nhe thách thức thị trường như Motorola (nay đã thuộc về Google) với dòng Moto X và Moto G, Nokia, HTC, LG, Sony. Cũng đừng quên Apple vẫn đang chuẩn bị để tiếp tục “làm cách mạng” ngành công nghệ một lần nữa. Chưa bao giờ Samsung cảm thấy bất an như thế.

Một vấn đề lớn khác là Samsung vẫn phải dựa vào Android. Tuy nhiên, Android vốn bị kiểm soát bởi Google nên làm sao Samsung có thể nắm chắc tương lai của mình. Bất kỳ khách hàng nào của Samsung cũng có thể đổi sang một sản phẩm Android khác mà không bị mất quá nhiều tính năng và dịch vụ, vốn đều được cung cấp bởi Google. Chính vì thế, Samsung không có khả năng “khóa” người dùng vào hệ thống dịch vụ, tiện ích của mình như Apple, vốn nắm cả phần cứng lẫn phần mềm trong các sản phẩm của mình. Samsung đang hy vọng vào Tizen, hệ điều hành mà hãng này đã mua lại nhưng vẫn còn quá sớm để có thể dự đoán khả năng thành công của Tizen.

2014 sẽ là năm then chốt để quyết định số phận của Samsung, nếu xóa bỏ được cái mác “kẻ ăn theo” để trở thành một công ty thực sự đặt ra các xu hướng công nghệ mới thì họ sẽ thành công.
 

2013 là năm rất thành công của Samsung với hơn 350 triệu smartphone bán ra, chiếm hơn 40% doanh số smartphone toàn cầu; doanh thu bằng tổng doanh thu của Microsoft, Google, Amazon, Facebook gộp lại và là công ty có giá trị lớn thứ 8 trên thế giới.