Những công nghệ thất bại năm 2010

10/12/2010 14:36 GMT+7

Năm 2010 đã bước sang những tờ lịch cuối cùng và đã đến lúc chúng ta cùng nhau nhìn lại. 12 tháng qua, thị trường công nghệ tiêu dùng đã diễn biến hết sức sôi động với hàng loạt sản phẩm mới được công bố, từ những mẫu smartphone tối tân cho đến sách điện tử giá rẻ. Và đương nhiên, không thể quên sự nổi lên của máy tính bảng với màn ra mắt đầy ấn tượng của Apple iPad.

Nhưng bên cạnh "thăng", cũng không thể không nhắc đến "trầm". 2010 cũng chứng kiến không ít thử nghiệm thất bại và ý tưởng tồi tệ. Dưới đây là những cú ngã ngựa đáng nhớ nhất của năm.


1. Google Buzz

Cuộc xâm lược đầu tiên của Google vào địa hạt tiểu blog/mạng xã hội ảo đã khiến người dùng phát điên khi họ phát hiện mình bị kết nối tự động với người yêu cũ hay đồng nghiệp cũ do một thuật toán mặc định. Người dùng Gmail thì chẳng mấy mặn mà với việc danh sách những người họ hay liên lạc nhất bị niêm yết công khai, và cuối cùng, dự án Buzz đã kết thúc bằng một vụ kiện. Chưa hết, dịch vụ này chẳng tích hợp chút nào với Facebook và không có cách nào liên thông status mới nhất sang các mạng xã hội khác.


2. Apple Ping


Google không phải là hãng duy nhất giới thiệu một mạng xã hội dớ dẩn trong năm qua. Lỗi lầm lớn nhất của Apple Ping (và sản phẩm này còn rất nhiều lỗi khác nữa) là việc nó chỉ có thể truy cập thông qua iTunes hoặc một ứng dụng iOS. Muốn tự tử trên mạng xã hội ảo ư? Hãy dùng Ping và bạn đã có thể tự cách ly mình với cả thế giới Web còn lại rồi đấy.


3. Goole Wave


Thật bất ngờ khi cái tên Google lại xuất hiện đến lần thứ hai trong danh sách. Công nghệ của Wave được công bố lần đầu hồi năm 2009, nhưng dịch vụ nhắn tin và hợp tác này chỉ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5. Nhưng gần như ngay lập tức, sự háo hức ban đầu đã trở nên nguội ngắt, chủ yếu là vì người dùng chẳng hiểu nổi nó là cái gì cũng như họ nên làm gì với nó. Google đã khoá sổ dự án này chưa đầy 3 tháng sau đó.


4. Cảnh báo sai của McAfee


Một gói phần mềm cập nhật của McAfee khiến cho giới bảo mật muối mặt hồi tháng 4, khi nó tự động tắt hàng ngàn máy tính Windows XP của doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ. Lý do ư? Phần mềm này đã đánh dấu một file hệ thống trọng yếu là phần mềm phá hoại và xoá nó đi.


5. Palm Pre và WebOS


Nếu bạn nghĩ Palm Pre sẽ có được cơ hội thứ hai với mạng di động AT&T và Verizon trong năm nay thì bạn đã lầm. Gartner thậm chí chẳng buồn tính đến hệ điều hành WebOS khi báo cáo về thị phần hệ điều hành smartphone trong năm 2010. HP cũng chưa có bất cứ kế hoạch nào rõ ràng về việc thúc đẩy WebOS trong những sản phẩm sắp ra mắt của hãng cả.


6. The HP Slate


Trước cả khi Apple phát hành iPad, HP đã tự định vị hãng sẽ là đối thủ chính của Apple. HP Slate được kỳ vọng sẽ làm được mọi thứ mà iPad bó tay: hỗ trợ Adobe Flash, trang bị camera mặt trước, cổng USB, khe cắm thẻ nhớ... Tuy nhiên, kế hoạch đã thay đổi khi HP thâu tóm Palm. Ngay lập tức, Slate trở nên nhạt nhoà.


Cuối cùng, nó được phát hành với tư cách một mẫu tablet dành cho doanh nghiệp với sức hấp dẫn hết sức hạn chế, hạn chế tới mức HP chỉ bán được có vẻn vẹn 5000 máy mà thôi.


7. Android Tablets


Lẽ ra 2010 phải là năm của máy tính bảng nhưng thay vào đó, chúng ta chỉ có đúng một thiết bị thống trị thị trường là Apple Ipad. Hiện chỉ mới có Samsung Galaxy Tab được đánh giá là tạm so sánh được với iPad, còn đại đa số nhà sản xuất đều quyết định chờ đến năm sau, khi Google phát hành Honeycomb, một phiên bản dành riêng cho tablet của Android. Một số tablet Android đã ra mắt như ICD Ultra thì tuyệt đối biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.


8. Google Nexus One


Giới công nghệ đã gửi gắm không biết bao nhiêu niềm tin và kỳ vọng vào mẫu smartphone Android của chính Google, với mô hình chỉ-bán-online, không-lệ-thuộc-vào-nhà-mạng. Chỉ có điều, bản thân Google lại phải dựa dẫm vào chính những mạng di động đó nếu muốn Android thành công. Khi Sprint và Verizon hết hứng thú với việc hỗ trợ cho Nexus One, Google cũng nhanh chóng buông xuôi và thế là cuộc "cách mạng" đã tắt ngúm.


9. iPhone 4 trắng


Thất hứa hiếm khi là một động từ đi kèm với Apple, nhưng cho đến thời điểm này, bất chấp nhiều lời hứa hẹn, iPhone 4 trắng vẫn chưa thể xuất xưởng. Đầu tiên, mẫu dế này bị lùi sang tháng 7. Kế đến là "cuối năm" và giờ là "mùa xuân 2011".


Người ta không khỏi tự hỏi: Liệu Apple nên dồn sức cho iPhone 5 có phải là hợp lý hơn không?


10. Ăng ten của  iPhone 4


Dù bạn cho rằng vụ tranh cãi xung quanh chuyện lỗi ăngten của iPhone 4 đã bị thổi phồng hay hoàn toàn đúng sự thật, thì sự muối mặt của Apple vẫn là không thể phủ nhận.


11. BlackBerry Torch


Trước hết, phải nói cho đúng là BlackBerry Torch không phải một con dế tồi. Nhưng chắc chắn, nó không phải là thứ sản phẩm mà RIM đang rất cần để thắp sáng hào quang trở lại. Càng ngày, khách hàng càng chuộng iPhone và Android hơn là BlackBerry.


12. MySpace


Thiết kế mới của MySpace đánh mất sự tập trung khỏi mạng xã hội mà nhấn mạnh vào khám phá truyền thông - giải trí. Nhiều người dùng không ngần ngại thốt lên đây là "một mớ hỗn độn" và kết luận: Facebook đã chiến thắng tuyệt đối.


13. Microsoft Kin


Sự thất bại nặng nề nhất đã được để dành tới cuối cùng. Dòng dế Kin của Microsoft hội đủ các yếu tố của một cú ngã ngựa để đời, từ sự thổi phồng cao như núi (Sự hợp tác giữa Verizon với Microsoft từng được lăng xê là sát-thủ-iPhone) cho đến một chiến dịch marketing rầm rộ nhằm vào giới trẻ. Thế nhưng bản thân sản phẩm lại tồn tại quá nhiều hạn chế: không chia sẻ video, không GPS, không ứng dụng dù có chính sách tính cước y như một smartphone. Chỉ sau vẻn vẹn 6 tuần phát hành, Kin đã bị ngừng sản xuất. Gần đây, Kin có tái xuất trong lặng lẽ với một số tính năng bị cắt bỏ và giá thành rẻ như cho. Tuy nhiên, có vẻ như là Microsoft và Verizon đều chỉ muốn xả hàng dọn kho mà thôi.