Quân đội Mỹ sẽ được trang bị smartphone

19/07/2011 09:51 GMT+7

Quân đội Mỹ sắp kết thúc 6 tuần thử nghiệm smartphone và máy tính bảng trong chiến đấu và hi vọng đội quân đầu tiên được trang bị smartphones sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

Chương trình thí điểm bắt đầu từ 6/6 năm nay tại các khu huấn luyện White Sands và Fort Bliss ở bang New Mexico và Texas. Các quan chức Mỹ tỏ ra hài lòng với kết quả của chương trình này và hi vọng đội quân đầu tiên được trang bị smartphones sẽ “xuất ngoại” cuối năm nay.

Các quan chức trong quân đội Mỹ cho biết, điện thoại thông minh chưa thể thay thế radio, nhưng sẽ được phân phát rộng rãi hơn và hoạt động lí tưởng khi kết hợp với các thiết bị cũ. Lực lượng bộ binh đang dùng smartphone để gửi tin nhắn cập nhật tình hình môi trường xung quanh, gửi các bức ảnh định vị GPS, đưa lên bản đồ và nhanh chóng hoàn thành báo cáo định kì. Micheal McCarthy, sĩ quan phụ trách chương trình này cho biết: “Khi gặp vấn đề hoặc cần nộp báo cáo, binh lính sẽ ngay lập tức gửi tin. Những người lính trẻ này lớn lên cùng công nghệ và quen thuộc và thoải mái khi dùng chúng.”

Hệ thống khai thác máy ảnh và định vị GPS để hiển thị thông tin và hình ảnh các vùng lân cận có tên “tăng cường thực tế” cũng đang trong quá trình phát triển.

Trong chương trình thử nghiệm, quân đội sử dụng hơn 300 điện thoại Android, iPhone và Windows Phone; ngoài ra còn có các máy tính bảng của Apple, Dell và Hewlett-Packard. Những người lính này có thể sử dụng các thiết bị cảm ứng thông qua găng tay đặc biệt.

Đặc biệt, một bộ phận khác đang thử nghiệm trên các điện thoại chạy phiên bản đặc biệt của phần mềm mã nguồn mở Android của Google. Thiết bị mẫu này được gọi là “Joint Battle Command-Platform Handheld.” (tạm dịch: các thiết bị cầm tay trong hiệp đồng chiến đấu).

Các thiết bị đưa vào chương trình đều hoạt động khá tốt. Dù vậy, vẫn có một số có vấn đề. Một mẫu điện thoại của Samsung không kết nối được với các mạng di động và có lỗi trong hệ điều hành Android. Vì thế, Sprint Nextel (nhà khai thác dịch vụ di động tại Mỹ) đã đổi nó lấy mẫu điện thoại Samsung khác.

Nhóm quân ban đầu cũng gặp phải một số vấn đề khi thử nghiệm iPhone tại các căn cứ sa mạc. Rắc rối này không mấy xa lạ với những người dùng các thiết bị của Apple: “Công ty viễn thông AT&T không cung cấp dịch vụ tại các điểm này.” Với các khu vực còn lại, cả iPhone và Android đều thu tín hiệu tốt, Ed Mazzanti, người quản lý chương trình nói.

Mazzanti hi vọng quân đội sẽ đưa vào sử dụng chính thức hai hệ điều hành cho di động này. Bằng cách đó, nhu cầu phát triển phần mềm sẽ được thu nhỏ trong khi vẫn có thể cung cấp đa dạng các công cụ nhằm chống lại các cuộc tấn công nhắm vào nền tảng phần mềm. Các kĩ sư phần mềm quân đội cũng đã phát triển phương pháp cho phép các ứng dụng có thể luân chuyển giữa hai nền tảng với nỗ lực ít nhất. Các ứng dụng đang được mã hóa như một trang web tối ưu hóa cho di động.

Người phát ngôn của Apple và Google – chủ nhân của hệ điều hành Android đều từ chối bình luận về việc hợp tác giữa công ty với các tổ chức đặc biệt như quân đội Mỹ.

Các thử nghiệm của quân đội cũng chỉ ra, những thiết bị làm từ nhựa, kim loại, kính như smartphone đều vượt qua những cơn bão cát và các điều kiện khắc nghiệt khác, bất chấp việc vỏ ngoài của chúng có vẻ khá mỏng manh và thậm chí nhiều vỏ làm từ cao su chỉ giá trị chỉ khoảng 10 USD.

Việc mua lại các công nghệ có sẵn tiết kiệm cho quân đội nhiều hơn là đầu tư vào các nghiên cứu và sản xuất mới. Theo McCarthy, “mua các sản phẩm đã được phát triển rẻ hơn nhiều so với tự chúng tôi phát triểnn mới.” Nhiều sản phẩm bán tại Best Buy còn hiện đại hơn nhiều so với các thiết bị hiện tại trong quân đội. Còn với Mazzanti, một điện thoại thông minh không chỉ là điện thoại nó còn là “một máy tính, một thiết bị hiển thị, một thiết bị video. Với các tiện ích máy tính đóng gói trong thiết bị chỉ có 7-ounce, chúng tôi mới nhận thấy nhiều tính năng tiềm ẩn mới.”

Tuy nhiên, trở ngại vẫn còn trước khi những chiếc điện thoại này có thể phát cho quân đội. Phần mềm và đường truyền của chúng chưa hoàn toàn được bảo mật. Mazzanti cho hay hiện nay quân đội vẫn chưa đạt được mức mã hóa cần thiết để xuất điện thoại ra ngoài biên giới và hoàn toàn tích hợp vào hệ thống lệnh. Dù vậy, một phần của chương trình vẫn có thể triển khai hạn chế trong năm nay, gắn liền với các radio chiến thuật cung cấp mã hóa.

Song song với chương trình máy tính bảng và smartphone, quân đội cũng đang thử nghiệm thiết bị cho phép các nhà cung cấp viễn thông triển khai mạng di động tạm thời. Các “tháp di động trong hành lí” sẽ tạo ra mạng không dây trong phạm vi giới hạn, áp dụng khi dịch vụ không đáng tin cậy hoặc có những người nghe không mong muốn.

Lam Anh