Quản lý thông tin giúp hạn chế sử dụng "sim rác"

03/05/2011 12:42 GMT+7

<FONT size=2>Một ngày sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an thực hiện công tác đối chiếu dữ liệu đăng ký thông tin của thuê bao trả trước (ngày 1/5), thị trường sim khuyến mại trở nên trầm lắng hơn, và người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng sim điện thoại di động.</FONT>

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) 

Cắt mạng những thuê bao khai thông tin không chính xác

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khoảng 4,1 triệu thuê bao trả trước của các nhà mạng thuộc khu vực Hà Nội đã được bàn giao dữ liệu thông tin cá nhân sang cơ quan công an để đối chiếu, trong đó Viettel có 1,57 triệu, MobiFone có 1,25 triệu, VinaPhone khoảng 1,28 triệu thuê bao.

Còn lại các mạng di động gồm S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline cũng đang tiếp tục rà soát và tổng hợp để gửi thông tin cá nhân của khách hàng tới Bộ. Các thông tin cơ bản để xác định các thuê bao trả trước có khai thông tin chính xác hay không gồm họ tên, chứng minh thư, ngày tháng năm sinh.

Việc quản lý chặt thuê bao trả trước đăng ký thông tin cá nhân đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành trong ba năm trở lại đây. Cho tới thời điểm này, hầu như không còn có nhà mạng nào để tình trạng thuê bao trả trước “ngoài vòng quản lý” nữa.

Tuy nhiên, mức độ thông tin mà khách hàng khai báo trung thực, chính xác tới đâu thì khó có thể kiểm soát được, trong đó cũng có một phần trách nhiệm của các nhà mạng. Ví dụ như nhiều mạng vẫn có những thuê bao mà chủ sở hữu sim điện thoại khai báo dưới 14 tuổi vẫn được chấp nhận trên hệ thống...

Điều này có thể lý giải là do cơ sở dữ liệu không đồng bộ và thiếu tập trung nên chưa có cơ sở chứng minh thông tin khách hàng khai báo là chính xác. Bản thân các doanh nghiệp cũng không dám khẳng định dữ liệu của khách hàng mà mình đang nắm giữ đảm bảo tính xác thực.

Nhưng thực tế, nhiều khách hàng lại phàn nàn chuyện số chứng minh thư của họ bị sử dụng để khai báo thông tin cho nhiều thuê bao trả trước khác. Hiện tượng "râu ông nọ cắm cằm bà kia" cũng diễn ra khá phổ biến.

Có khách hàng hoàn tất nghĩa vụ khai báo thông tin ngay từ những ngày đầu, thế nhưng khi kiểm tra lại họ mới tá hỏa vì địa chỉ, quê quán, tên tuổi đã bị thay thế bởi một người mà họ không quen biết.

Trong khi đó, theo Thông tư 22 của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp thông tin di động có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn chủ thuê bao thực hiện việc thay đổi thông tin thuê bao đã đăng ký theo quy định đến hết ngày 31/12/2009 tổ chức thực hiện đúng theo các quy định của kể từ ngày 1/1/2010.

Nghị định 50/2009/NĐ-CP đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất là 200.000 đồng, và cao nhất là 20 triệu đồng đối với những sai phạm trong công tác quản lý thuê bao di động trả trước, như không triển khai hoặc triển khai cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước không đảm bảo việc thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin theo quy định; không chấm dứt việc ủy quyền cho chủ điểm giao dịch sử dụng thông tin trên giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng minh quân đội nhân dân, giấy chứng minh công an nhân dân hoặc hộ chiếu của mình hoặc của người khác để khai báo, kích hoạt thuê bao di động trả trước trái quy định…

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, khi có được hệ thống chứng minh thư điện tử thì đó sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp công tác quản lý thuê bao trả trước đạt được hiệu quả cao nhất.

Với một số lượng thuê bao di động lên tới trên 100 triệu hiện nay, trong đó chiếm tới 90% là thuê bao trả trước, bản thân nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước khó có thể kiểm tra được tính xác thực của tất cả các thuê bao trả trước đã đăng ký thông tin, ngoài những thông tin “quá lộ” nhìn là biết không trung thực.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, sau thời gian kiểm tra, Bộ sẽ tổng kết và đưa ra thông báo cho các doanh nghiệp di động về số lượng khách hàng khai báo thông tin chưa đúng thực tế. Nhà mạng có trách nhiệm yêu cầu thuê bao đến đăng ký lại bằng các biện pháp nhắn tin, gọi điện trực tiếp…

Đến một giai đoạn nào đó, nếu như các trường hợp cố tình khai thông tin sai mà không tới thay đổi lại cho đúng, quá thời hạn quy định, Bộ sẽ kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cắt liên lạc hoặc xóa số trên hệ thống những thuê bao cố tình không chấp hành.

Người tiêu dùng không còn mặn mà với sim khuyến mại

Tuyến phố Kim Mã nơi được mệnh danh là “phố” sim thẻ di động của Hà Nội, những ngày gần đây giao dịch sim khuyến mại giá rẻ (hay "sim rác") đã trở nên trầm lắng hơn sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt đăng ký thông tin cá nhân của chủ thuê bao.

Anh Lê Hải Quân, sinh viên trường Đại học Luật cho biết, "trước chỉ cần bỏ ra mấy chục nghìn để mua một 'sim rác' là có trong tài khoản hơn 100.000 đồng, nhưng giờ với việc tăng cường quản lý các thuê bao của các nhà mạng thì việc khuyến mại bằng thẻ sẽ nhiều hơn khuyến mại bằng sim, nên tôi đợi các dịp khuyến mại của nhà mạng để nạp thẻ. Không những thế, giờ mua sim mới lại phải đi đăng ký nên cũng mất thời gian."

Nguyễn Hoàng Anh, chủ một đại lý sim thẻ điện thoại trên phố Kim Mã cho biết, giờ sim thẻ bán rất chậm, bởi sim của các nhà mạng khuyến mại giảm đi gần một nửa, nên khách hàng không mua sim nữa mà chuyển sang mua thẻ.

“Từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông có động thái nhằm làm giảm lượng sim khuyến mại, thì lượng khách hàng mua sim mới giảm tới 80% so với trước kia. Bên cạnh đó, cứ định kỳ 2 lần trong một tháng mỗi nhà mạng tiến hành khuyến mại giảm từ 50-100% nên khách hàng chờ đợi đến kỳ đó để nạp thẻ,” Hoàng Anh cho biết.

Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, bắt đầu từ ngày 1/5, các thuê bao di động đang hoạt động, các thuê bao tái sử dụng hoặc thuê bao tài khoản mới phải được đăng ký thông tin cá nhân theo thông tin trên chứng minh thư nhân dân của chủ thuê bao. Theo đó, mỗi người chỉ được đăng ký tối đa 3 số thuê bao trả trước cho điện thoại di động và sẽ xóa số thuê bao nếu không đăng ký đầy đủ thông tin.

Quy định này đã làm thay đổi lớn thói quen tiêu dùng của người dân trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông di động thay vì sử dụng sim khuyến mại như trước. Không ít người tiêu dùng đã quay trở lại sử dụng thẻ nạp tiền cho số thuê bao chính của mình.

Trước sự phát triển của số lượng thuê bao di động như hiện nay, thì việc kiểm soát đăng ký thông tin cá nhân của chủ thuê bao là điều cần thiết, giúp quản lý số lượng thuê bao của các nhà mạng.

Tuy nhiên điều này cũng phụ thuộc nhiều vào các nhà mạng, vì nếu các nhà mạng tuân thủ tốt những quy định trong khuyến mại dịch vụ và nâng cao công tác chăm sóc khách hàng thì người tiêu dùng sẽ dần bỏ được thói quen sử dụng các số điện thoại tạm thời và các loại "sim rác"