Ảnh minh họa. (Nguồn: post.jagran.com)
Đây là một trong những vụ tranh cãi pháp lý dai dẳng liên quan đến bản quyền giữa hai tập đoàn sản xuất thiết bị thông minh lớn nhất thế giới.
Trong phán quyết công bố ngày 12/12, tòa án trên đã khẳng định "Quả táo" không hề vi phạm bằng sáng chế của Samsung về tính năng tạo tin nhắn nhóm và hiển thị tin nhắn ngắn trên thiết bị thông minh như hãng này đưa ra trước đó.
Tòa án cho rằng Apple có thể dễ dàng phát triển các sản phẩm của mình dựa trên những công nghệ sẵn có.
Ngoài ra, tòa cũng bác đòi hỏi của Samsung đòi Apple phải bồi thường 95.092 USD cho những thiệt hại.
Tòa án trên cũng đồng thời bác yêu cầu của Samsung đòi tòa ban lệnh cấm bán các sản phẩm thông minh của Apple như iPhone hay iPad tại thị trường Hàn Quốc.
Trong một phản ứng đầu tiên, Samsung bày tỏ sự thất vọng đối với phán quyết trên của tòa và cho biết sẽ tiếp tục có các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các sản phẩm trí tuệ của mình.
Với sự phát triển không ngừng trong các dòng sản phẩm công nghệ cao, hai tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này liên tục cáo buộc lẫn nhau về vi phạm bằng sáng chế tại các vụ kiện ở hơn 10 quốc gia.
Hồi đầu tuần, một tòa án Đức đã ra phán quyết có lợi cho Samsung trong vụ kiện với Apple liên quan đến bằng sáng chế về công nghệ nhập dữ liệu ngôn ngữ trên điện thoại.
Trước đó, hồi tháng Tám năm ngoái, Tòa án Liên bang Mỹ tại San Jose, bang California đã ra phán quyết Samsung vi phạm sáu bằng sáng chế của Apple, đồng thời phải bồi thường cho "Quả táo" 1,09 tỷ USD.
Tuy nhiên, tháng Ba vừa qua, một thẩm phán đã yêu cầu xem xét lại khoản tiền 450 triệu USD trong tổng số tiền phạt trên vì cho rằng phiên xử trước đã không xác định đúng thiệt hại mà hãng điện tử Hàn Quốc gây ra cho "Quả táo."
Cuộc chiến pháp lý giữa hai đại gia công nghệ này bắt đầu nổ ra từ năm 2011 khi Apple chính thức kiện Samsung sao chép bất hợp pháp các sản phẩm iPhone và iPad của mình.
Apple cũng yêu cầu hãng điện tử Hàn Quốc bồi thường 2,5 tỷ USD cho những thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, Samsung cũng nhanh chóng đáp trả khiến cuộc chiến pháp lý trở nên dai dẳng và rộng khắp trên nhiều quốc gia./.