Steven Paul Jobs, vị cựu CEO huyền thoại của Apple, để lại dấu ấn mạnh mẽ trong các sản phẩm của Apple. Trong đó, sự ưa thích phong cách thiết kế giả thực (skeuomorphism) là “tai tiếng” nhất. Phong cách này sử dụng các vân bề mặt giả chất liệu giấy và da để đem lại một giao diện người dùng trông có vẻ thân thuộc từ các vật dụng của đời sống hằng ngày. Cách thiết kế này vốn bị chỉ trích nhiều về sự kém hiệu quả, lạc hậu và đi ngược lại các tiêu chí của thiết kế hiện đại.
Steve Jobs (lúc sinh thời) trò chuyện với Jonathan Ive. Ảnh: APPLE
Ảnh hưởng của phong cách giả thực
Tại Apple, Steve Jobs cũng nổi tiếng với tính độc đoán. Điều đó càng làm cho dấu ấn của Steve Jobs đậm nét hơn trên các sản phẩm Apple, dù chúng là tốt hay xấu. Dĩ nhiên, “skeuomorphism” vẫn đã và đang “ám ảnh” tất cả các giao diện người dùng trên các sản phẩm từ iPad, iPhone, Mac cho đến Apple TV.
Vì sự độc tài của Steve Jobs, tiếng nói phản đối của những người khác khó mà gây được ảnh hưởng. Đó là chưa kể nhiều nhân vật thế lực ủng hộ phong cách thiết kế này cùng với Steve Jobs. Trong số đó có Scott Forstall, người làm việc chung với Steve Jobs trong những ngày tại hãng NeXT và sau này trở thành một trong những thành viên chủ chốt tại Apple, chịu trách nhiệm cho mảng phần mềm của dòng Mac và iPhone. “Skeuomorphism” từ đó ngày càng được sử dụng nhiều hơn trên các sản phẩm Apple.
Khi Steve Jobs mất năm ngoái, Scott Forstall được xem là một trong những học trò kế thừa tiêu chí của vị CEO huyền thoại này. Tuy nhiên, mặc dù rất kín tiếng, tin đồn trong Apple vẫn dấy lên xung quanh việc Scott là một người rất thích tranh công và né tội. Nhiều nhân viên giấu tên từng lên tiếng cho giới truyền thông rằng họ không thích làm việc với Scott. Nhưng quyền lực của Scott tại Apple là không thể chối cãi và ảnh hưởng của ông lên các thiết kế giao diện người dùng cho phần mềm vẫn đi theo phong cách “skeuomorphism”.
Sự ra đi của Scott Forstall
Sự thất bại của dịch vụ Apple Maps vừa rồi lại đem đến một thay đổi lớn tại Apple. Apple Maps mặc dù được giới thịêu là một dịch vụ bản đồ mang tính cách mạng, thế chỗ cho Google Maps đến từ đối thủ của Apple nhưng lại gặp phải hàng loạt bất cập, lỗi và sai thông tin. Bị chỉ trích dữ dội từ phía người dùng và giới truyền thông, Apple buộc phải tung ra một “lá thư” xin lỗi. Có tin đồn rằng mặc dù chịu trách nhiệm cho dịch vụ này, Scott lại từ chối không ký tên vào dưới lá thư.
Cuối cùng, lá thư này được tung ra với chữ ký của CEO Apple hiện tại là Tim Cook. Apple ra tuyên bố thay đổi nhân sự hôm 29-10, cho biết Scott Forstall sẽ làm việc với vai trò cố vấn cho Tim Cook cho đến hết năm 2012 và sẽ rời Apple sau đó. Tuyên bố này bao gồm việc đưa Jonathan Ive, người đứng đằng sau các thiết kế sản phẩm của Apple, lên chịu trách nhiệm cho thiết kế giao diện người dùng. Sự kiện này đánh dấu cho một thay đổi quan trọng và cũng là thay đổi lớn trong thời kỳ “hậu Steve Jobs” tại Apple.
Kỳ vọng vào Jonathan Ive
Hiện nay, nếu nhìn chung trong mảng các hệ điều hành di động và máy tính để bàn, Apple đang sở hữu một giao diện ngày càng xuống cấp và lạc hậu. Đối thủ chính của hệ điều hành iOS là Android đến từ Google, mặc dù trước kia mang tiếng là có giao diện xấu xí, nhờ có sự tham gia của Matias Duarte - bậc thầy về thiết kế giao diện đến từ Palm, giao diện của Android ngày càng trở nên hiện đại nhất và đẹp nhất hiện nay.
Còn Microsoft đã quyết định đi theo xu hướng phát triển thiết kế phong cách “minimalism”, một phong cách đơn giản hóa mọi thứ, chỉ sử dụng các thành phần cơ bản cho giao diện. Phong cách này được Microsoft đặt tên là “Windows Store Apps” (đổi tên từ “metro”) và áp dụng nó khắp nơi bao gồm Windows 8 và Windows Phone 8. Tất cả đều tiến lên và làm cho Apple “ngửi khói”.
Và giờ đây Jonathan Ive được mong đợi sẽ làm thay đổi điều đó. Là người đứng đằng sau các thiết kế tuyệt đẹp đã trở thành thương hiệu của Apple, Jonathan Ive là một trong những nhà thiết kế thành công nhất hiện nay và cũng tài năng nhất. Ông là một trong số những người phản đối cách thiết kế “skeuomorphism” của Apple, dù là người rất thân thiết với Steve Jobs. Jonathan và cả Scott đều là những ứng cử viên sáng giá cho chức CEO khi Steve Jobs mất. Jonathan không mấy ưa Scott Forstall, họ hay không đồng tình trong nhiều quyết định tại Apple. Và nay, nếu nhà thiết kế tài năng này nhúng tay vào thiết kế giao diện của Apple, hẳn Apple sẽ thay đổi.
Một đổi thay tất yếu
Có thể được hiểu là một sự khởi đầu một thời kỳ mới, sau khi Steve Jobs mất. Hơn thế nữa, Apple, với vai trò đứng đầu ngành công nghệ, nắm giữ các chuẩn mực về chất lượng của các sản phẩm điện tử, họ được mong chờ là phải đổi mới và cách mạng. Sẽ là rất thú vị khi thấy một Apple “mới” lại một lần nữa vươn lên đột phá các chuẩn mực mà chính họ đặt ra. |