Ông Nguyễn Long, Phó Tổng Thư ký VAIP phát biểu ý kiến. Ảnh: Bộ TT&TT
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Long, Phó Tổng Thư ký VAIP đã góp ý: “Việc xây dựng Nghị định về dịch vụ CNTT có xuất phát điểm nhằm làm cụ thể, rõ ràng hơn những điều đã ghi trong Luật CNTT về khuyến khích ưu đãi phát triển loại hình dịch vụ CNTT. Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT đã được soạn thảo rất công phu, đã quy định một số chính sách ưu đãi cụ thể, chẳng hạn như quy định ưu đãi tỷ lệ phân chia doanh thu cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) khi hợp tác kinh doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (telco). Qua tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp thành viên gửi về VAIP và VINASA thì thấy Dự thảo Nghị định vẫn còn quy định chưa đầy đủ và vẫn còn nhiều vấn đề chồng chéo trong quản lý Nhà nước”.
Một trong những vấn đề “nóng” gây nhiều tranh cãi nhất trong cộng đồng CNTT-TT chính là những quy định yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký cấp phép hoặc đăng ký cung cấp dịch vụ đối với một số loại dịch vụ CNTT. Đã có ý kiến đề nghị bỏ quy định này. Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch VAIP, thì vẫn cần thiết phải quy định về việc doanh nghiệp phải đăng ký cung cấp, thậm chí phải cấp phép đối với một số loại dịch vụ CNTT có ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, thuần phong mỹ tục... Việc đăng ký như vậy nhằm tạo điều kiện hỗ trợ công tác quy hoạch, lập kế hoạch, qua đó thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT chứ không phải bắt buộc đăng ký để dễ quản lý, hạn chế sự phát triển.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT là văn bản do Bộ soạn thảo đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay, thậm chí còn có nhiều ý kiến đóng góp hơn cả khi soạn thảo Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT. Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT và sẵn sàng tiếp thu để hoàn thiện dự thảo này. Mong cộng đồng CNTT coi đây là sản phẩm chung nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT tại Việt Nam trong thời gian tới.
Được biết, sau khi Bộ TT&TT đề nghị các hội, hiệp hội về CNTT góp ý cho Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT để hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Chính phủ, đã có 2 hội, hiệp hội gồm Hội Tin học TP.HCM và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Tọa đàm, hội thảo có sự tham gia của các bên liên quan để thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung. Những ý kiến đóng góp đã được Bộ TT&TT tiếp nhận với tinh thần cầu thị...