Việt Nam tăng 3 bậc xếp hạng cạnh tranh CNTT 2011

05/10/2011 09:20 GMT+7

(ictworld.vn) - Liên minh tình báo kinh tế và Liên minh phần mềm doanh nghiệp vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghệ thông tin năm 2011. Năm nay, chỉ số xếp hạng của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 53 (tăng 2,1 điểm) so với năm 2009

Bảng xếp hạng 10 nền kinh tế có chỉ số xếp hạng cạnh tranh CNTT cao nhất (trái) và Việt Nam tăng 3 bậc trên bảng xếp hạng (phải)

Bảng xếp hạng so sánh và xếp hạng môi trường công nghệ thông tin (CNTT) của 66 nền kinh tế nhằm xác định những khu vực mà các nền kinh tế cần chú trọng để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành CNTT của mình. Năm nay, chỉ số xếp hạng của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 53 (tăng 2,1 điểm) so với năm 2009. Mỹ tiếp tục là nước đứng đầu bảng xếp hạng tiếp theo là Phần lan, và thứ 3 là Singapore (quốc gia tăng liền 6 bậc trên bảng xếp hạng).

Đánh giá đối với các chỉ số, Việt nam có điểm số 60,8 cho môi trường kinh doanh, 23,5 cho hạ tầng CNTT, 23,5 cho nguồn nhân lực, 0,2 cho môi trường nghiên cứu và phát triển R&D, 50,0 cho môi trường pháp lý và 43,5 cho sự hỗ trợ cho phát triển CNTT.

Trong bảng xếp hạng đánh giá thể hiện các nền kinh tế có sự tiếp tục đầu tư vào các nhân tố cạnh tranh chính như môi trường nghiên cứu và phát triển, đào tạo kỹ năng và nhân tài là những nền kinh tế có sự gặt hái đáng kể trong bảng chỉ số 2011.

Bảng xếp hạng năm nay chứng kiến sự cải tiến vượt bậc của Malaysia tăng 11 bậc lên vị trí 31 và Ấn độ nhảy 10 bậc lên vị trí thứ 34 và Singapore tăng 6 bậc lên vị trí thứ 3 của bảng xếp hạng.
 

Bảng xếp hạng đánh giá trên cơ sở 6 chỉ số cơ bản sau:

  • Môi trường kinh doanh (trọng số 10%) xem xét đánh giá chính sách đầu tư nước ngoài, bảo vệ tài sản cá nhân, các quy định về kinh doanh của nhà nước và sự tự do cạnh tranh.
  • Hạ tầng công nghệ thông tin (trọng số 20%), chỉ số bao gồm mức chi tiêu cho phần mềm, phần cứng và dịch vụ CNTT, sở hữu máy tính cá nhân, an toàn an ninh internet, mức độ thâm nhập của di động và băng rộng.
  • Nguồn nhân lực (trọng số 20%) bao gồm số lượng sinh viên vào đại học, các khóa học về khoa học, vấn đề tuyển dụng trong IT và chất lượng kỹ năng công nghệ.
  • Môi trường nghiên cứu và phát triển (trọng số 25%) bao gồm chi tiêu cho R&D cả khu vực tư nhân và nhà nước, số các bằng sáng chế mới mỗi năm cũng như số tiền thu được từ bản quyền và phí cấp phép bản quyền.
  • Môi trường pháp lý (trọng số 10%) đánh giá tổng thể về luật sở hữu trí tuệ, sự thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hiện trạng luật về chữ ký điện tử, bảo vệ thông tin riêng và tội phạm mạng.
  • Sự hỗ trợ để phát triển CNTT (trọng số 15%) bao gồm tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tiến trình phát triển chính phủ điện tử, chi tiêu công cho CNTT và việc không có sự hỗ trợ "đặc thù" của chính phủ cho các công nghệ hoặc ngành cụ thể.