“Vua” Steve Ballmer ra đi

25/08/2013 08:12 GMT+7

Microsoft vừa thông báo CEO kỳ cựu của họ là Steve Ballmer sẽ nghỉ hưu trong 12 tháng tới. Tin này đánh dấu kết thúc sự nghiệp của một trong những nhân vật lớn nhất của ngành công nghệ

Steve Ballmer, người có thâm niên 33 năm trong ngành công nghệ thông tin, trong đó có 13 năm trong cương vị “vua” của “vương quốc công nghệ” Microsoft.

Di sản của Steve Ballmer

Steve Ballmer dẫn dắt Microsoft qua những thời khắc trung chuyển khắc nghiệt nhất của công nghệ máy tính và di động, đối đầu với sự trỗi dậy mãnh liệt của “gã khổng lồ” Apple cùng sự bành trướng của Google. Dù là nhân vật luôn bị chỉ trích nhưng Ballmer đứng đằng sau một trong những bộ máy hoạt động đáng nể nhất của thung lũng Silicon. Sự ra đi của “vị vua” này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Microsoft và của cả ngành công nghệ.
 
Steve Ballmer, vị CEO kỳ cựu của Microsoft_Nguồn: WASHINGTON JOURNAL

Từ năm 2000, Steve Ballmer giữ trọng trách CEO nhưng vẫn dựa vào nhà sáng lập Bill Gates trong các quyết định lớn. Đến khi Bill Gates chính thức rời Microsoft vào 2008, Ballmer mới chịu trách nhiệm mọi hoạt động tại đây. Trong vòng 5 năm từ đó đến nay, sự nghiệp của Steve Ballmer tại Microsoft được ghi dấu bởi nhiều thành công cũng như thất bại.

Steve Ballmer nổi tiếng với vai trò là một nhà quản lý xuất chúng nhưng lại không được biết đến như một nhà sáng chế công nghệ có tầm nhìn. Một trong những di sản lớn nhất mà Ballmer đem đến cho Microsoft là cơ cấu lại hoạt động của công ty khổng lồ này. Biết được rằng thiếu kiến thức công nghệ của Bill Gates sẽ là một điểm yếu, Ballmer đưa các tài năng công nghệ nắm những vai trò quan trọng trong công ty. Bằng cách này, các quyết định quan trọng được đưa ra xoay quanh những yếu tố kỹ thuật nhiều hơn là dựa vào marketing. Ngày nay, Microsoft sở hữu một trong những phòng nghiên cứu công nghệ sáng tạo và dồi dào chất xám nhất thế giới.

Câu châm ngôn của công ty này ở thời đại Ballmer là: “Cái gì hoạt động được thì phát triển, cái gì không được thì bỏ.” Một ví dụ điển hình là sự tiêu chuẩn hóa thiết kế giao diện người dùng Metro cho tất cả các sản phẩm của Microsoft, một yếu tố vốn chỉ được dự định áp dụng cho nền di động Windows Phone. Còn các dự án mới có nguy cơ tụt hậu thì ngay lập tức bị xóa bỏ, Windows Phone thời phiên bản 7.8 chẳng hạn. Phong cách ưu tiên sự hiệu quả này của Steve Ballmer giữ vị thế của Microsoft trên “chiến trường công nghệ”. Ballmer cũng cho thấy khả năng xuất chúng khi vận dụng các thế mạnh sẵn có. Bằng chứng là doanh thu của phân mảng phục vụ cho giới doanh nghiệp, công ty (enterprise) liên tục tăng mạnh mặc cho sự đi xuống của thị trường máy tính cá nhân.

Không được lòng các cổ đông

Tuy nhiên, Steve Ballmer không phải là một CEO có thể chiều lòng các cổ đông của Microsoft. Ông không phải là người có khả năng dự đoán được các bước tiến công nghệ và tận dụng chúng như Bill Gates hay Steve Jobs - cựu CEO Apple. Việc ưu tiên doanh thu, giữ vững vị thế đã khiến Microsoft rất chậm chạp khi phải thay đổi.

Ballmer vốn nổi tiếng là người đã dự đoán sai lầm sự tăng trưởng của thị trường smartphone sau khi Apple tung ra iPhone. Tiếp tục lại đến sự chậm chân khi phản ứng với thị trường máy tính bảng tablet. Khi Microsoft lật đật tìm cách thích ứng thì các giải pháp của Ballmer lại không “đến nơi”. Hậu quả là Windows Phone nghèo nàn về nội dung và phần mềm, thiếu thốn về số lượng sản phẩm, gặp rất nhiều khó khăn khi đối chọi với iOS của Apple và Android từ Google. Trong khi đó, quyết định phát triển nền tảng máy tính cá nhân kết hợp với máy tính bảng của Windows 8 vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Và một quyết định gây tranh cãi không phải là thứ mà Microsoft cần để đối đầu với đà tuột dốc của thị trường máy tính cá nhân.

Steve Ballmer cũng đứng đằng sau sự thất bại của Surface, máy tính bảng Windows 8 của riêng Microsoft. Đóng vai trò là “con át chủ bài” đối đầu với các dòng sản phẩm máy tính bảng và máy tính xách tay mỏng nhẹ của Apple nhưng Surface không cách nào vượt lên vì giá bán ra quá cao và tính năng thì lại không bằng. Ballmer lại tiếp tục thất bại với máy chơi game console Xbox One. Với hàng loạt các điểm yếu làm phật lòng người tiêu dùng, Xbox One nhanh chóng bị Sony lợi dụng để quảng bá cho sản phẩm của riêng họ là máy Playstation 4!

Những thất bại này làm dấy lên nhiều lo ngại cho tương lai của Microsoft, một thời thống trị thị trường công nghệ và Ballmer là mục tiêu để than phiền. Dĩ nhiên khi tin về việc thay thế CEO sắp diễn ra, cổ phiếu của Microsoft tăng ngay lập tức nhưng ai có thể đủ khả năng để đảm nhận vai trò để lại này thì vẫn chưa rõ.

Điều gì sẽ thay đổi?

Trong thông cáo báo chí mà Microsoft tung ra xoay quanh quyết định nghỉ hưu của Steve Ballmer có một dòng đáng chú ý: “Hiện tại, Ballmer sẽ tiếp tục giữ vai trò CEO và sẽ dẫn dắt Microsoft trong quá trình trung chuyển thành một công ty thiết bị và dịch vụ…” Liệu đây có phải là ngụ ý sự thay đổi sắp tới của Microsoft và có thể sẽ là quyết định cho tiêu chí lựa chọn CEO tiếp theo? Một điểm khác là kho tài năng khổng lồ hiện đang “ngủ đông” tại Microsoft, vì luôn bị buộc phải hoạt động dưới sự thiển cận của Ballmer, họ sẽ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các tiến bộ công nghệ mới cho công ty này trong tương lai.

Steve Ballmer nghỉ hưu là một sự kiện không chỉ ảnh hưởng đến Microsoft mà toàn bộ ngành công nghệ.