Những cách chống nóng cho mái tôn hiệu quả trong mùa hè

26/07/2023 14:54 GMT+7

Vào mùa hè, mái tôn có khả năng hấp thụ nhiệt lên đến 45 - 60 độ C. Do đó, chống nóng mái tôn là nhiệm vụ cần thiết mà gia chủ cần thực hiện càng sớm càng tốt.


Những cách chống nóng cho mái tôn hiệu quả trong mùa hè - Ảnh 1.

1. Nguyên lý chống nóng mái tôn

1.1 Hạn chế ánh nắng trực tiếp vào nhà

Nguyên tắc đầu tiên khi chống nóng cho mái tôn đó là hạn chế ánh nắng trực tiếp vào nhà. Thay vì sử dụng điều hòa liên tục để làm mát, "chiến đấu" với cái nóng, bạn nên chủ động tìm cách ngăn chặn ánh mặt trời chiếu vào nhà. Nguyên tắc này cơ bản trong quá trình chống nóng, ví dụ như việc ngồi dưới tán cây sẽ mát hơn việc ngồi ngoài trời nắng.

1.2 Trang bị/Nâng cấp vật liệu chống nóng

Tôn là kim loại nên khả năng dẫn nhiệt cao, nếu muốn hạn chế điều này cần trang bị hoặc nâng cấp vật liệu có tính cách nhiệt. Hiện nay, trên thị trường có nhiều vật liệu giúp chống nóng cho mái tôn hiệu quả như tấm lợp, xốp, tấm cách nhiệt mái tôn để chống nóng…

1.3 Tăng khả năng thông gió

Cuối cùng, cần tăng khả năng thông gió trong nhà bằng cách như làm giếng trời, làm ống thông gió hoặc bố trí hồ bơi, hồ cá... trong nhà. Nguyên tắc này không chỉ tác động riêng đến khu vực mái tôn mà còn có ý nghĩa với cả tổng thể của ngôi nhà.

2. 17 cách chống nóng cho mái tôn áp dụng ngay tại nhà

Nước ta là đất nước có khí hậu nóng ẩm, đặc biệt vào mùa hè nhiệt độ rất cao. Mức nhiệt này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người trong nhà, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Dựa vào các nguyên tắc trên, giải pháp chống nóng mái tôn mà bạn có thể áp dụng được tại nhà mình như sau:

Áp dụng nguyên lý 1: Hạn chế ánh nắng trực tiếp vào nhà

Những cách chống nóng cho mái tôn hiệu quả trong mùa hè - Ảnh 2.

2.1 Trồng cây trên mái chống nóng mái tôn

Để chống nóng cho mái tôn, giải pháp trồng cây ngay trên mái tạo bầu không khí mát mẻ và dễ chịu cho toàn bộ không gian trong nhà. Bên cạnh đó, lớp phủ trên mái tôn này giúp cho mái nhà chịu thêm lực tác động, chống bay, giật của gió bão. Căn nhà sẽ trở nên an toàn hơn khi có lớp phủ xanh này. Cũng có thể trồng các loại dây leo lên mái như hoa giấy, sử quân tử…

2.2 Sử dụng cây ở vườn để đổ bóng mát lên mái

Trồng cây có bóng mát, tán rộng và nhanh lớn như cây bàng, cây long não, cây xà cừ, cây phượng, cây lộc vừng.... cũng là cách chống nóng cho nhà ở. Nên trồng cây có tán rộng đúng hướng nắng vào nhà sẽ góp phần giảm tải nhiệt độ. Để mang lại giá trị thẩm mĩ và cả giá trị phong thủy cho gia đình, bạn cần chọn loại cây thích hợp. Bạn cần đảm bảo không gian đất đủ rộng rãi để cây phát triển.

2.3 Dùng lưới che nắng mái

Thường cách thức này có tính thẩm mỹ không quá cao, nếu bạn sử dụng mái tôn chỉ cần gắn cây thép hoặc sắt vào 4 góc của mái tôn sau đó căng tấm lưới nylon ra là xong. Bạn có thể thấy giải pháp này được những người làm vườn sử dụng để tránh ánh nắng trực tiếp vào những cây mới trồng.

2.4 Dùng tôn che nắng mái

Bổ sung thêm một giàn sắt đỡ phần tôn phía trên tấm tôn hiện tại. Đảm bảo giữa các lớp tôn có khoảng cách vừa đủ 50cm. Cách thức này sẽ giúp giảm rất nhanh nhiệt độ của mái tôn trong những ngày nắng nóng oi bức. Cách chống nóng mái tôn này đảm bảo được tính thẩm mỹ, nếu được thiết kế khéo léo thì không ai nhận ra có 2 tấm tôn trên mái nhà.

Áp dụng nguyên lý 2: Trang bị/Nâng cấp vật liệu chống nóng

2.5 Sử dụng loại tôn cách nhiệt

Tôn cách nhiệt có cấu tạo 3 lớp giúp cách nhiệt, cách âm hiệu quả. Có 3 dòng tôn cách nhiệt phổ biến hiện nay đó là tôn cách nhiệt cán sóng, giả ngói và chống cháy. Loại tôn cách nhiệt có tính ứng dụng, thẩm mỹ và dễ lắp đặt. Tôn cách nhiệt có thể ngăn bức xạ nhiệt bên ngoài và nhà khoảng 60%, giảm quá trình truyền nhiệt và thoát nhiệt vào mùa đông. Chính vì vậy, đây là giải pháp hàng đầu để chống nóng cho ngôi nhà sử dụng mái tôn.

2.6 Sử dụng sơn chống nóng mái tôn

Một giải pháp khác đó là sử dụng sơn chống nóng cho mái tôn. Bạn sơn lên mái tôn, nhất là phần mái tôn bị ánh nắng chiếu trực tiếp. Điều này giúp mái tôn tránh bị oxi hóa và hạn chế ngăn cản hấp thụ hơi nóng hấp xuống nhà. Lưu ý nên quét 2 lớp sơn chống nóng. Ngoài sơn chống nóng mái tôn, gia chủ có thể dùng thêm sơn cách nhiệt cho tường nhà. Sơn cách nhiệt có khả năng làm mát không gian khoảng 15 độ so với nhiệt độ thực tế ngoài trời. Khi sử dụng tôn cách nhiệt, sơn cách nhiệt thì mái nhà sẽ hạn chế tỏa nhiệt khi trời nắng.

2.7 Dùng bông thủy tinh cách nhiệt

Bông thủy tinh là vật liệu cách nhiệt được làm từ sợi thủy tinh được sắp xếp bằng cách sử dụng chất kết dính thành một kết cấu tương tự như len. Bông thủy tinh có khả năng cách nhiệt, tiêu âm và chống cháy... Đây là vật liệu rất được tin dùng hiện nay tại các công trình xây dựng, đặc biệt được sử dụng để chống nóng cho mái tôn. Bông thủy tinh giảm thiểu được nhiệt độ nóng bức từ bên ngoài vào nhà lên đến 30%. Tuy nhiên, vật liệu này có thời hạn sử dụng không quá lâu nên cần chú ý theo dõi và thay thế vật liệu đúng lúc.

2.8 Dùng tấm lợp, xốp, tấm cách nhiệt mái tôn

Ngoài bông thủy tinh, cũng có nhiều vật liệu khác giúp cách nhiệt cho mái tôn hiệu quả như xốp tráng bạc cách nhiệt, xốp XPS, xốp cách nhiệt EPS: Xốp tráng bạc cách nhiệt: Giải pháp này có quy cách khá đa dạng, độ dày từ 5mm, 10mm, 20mm, 30mm, được tráng vào một hoặc hai mặt. Xốp XPS, EPS: Chống nóng mái tôn bằng xốp được ứng dụng khá nhiều bởi dễ thi công và đảm bảo an toàn khi sử dụng, giá thành rẻ, hiệu quả chống nóng cao.

2.9 Lắp đặt hệ thống phun sương làm mát mái

Phun sương làm mát mái cũng giúp giảm nhiệt độ phòng từ 5 - 10 độ C. Cơ chế hoạt động của hệ thống phun sương đó là nước được nén dưới áp suất cao, phun qua ống vòi được thiết kế đặc biệt, chuyển hóa thành dạng sương mỏng. Loại vòi này vào thời gian nắng nóng cao điểm sẽ tự phun nước để làm mát mái tôn, giúp ngôi nhà trở nên mát mẻ hơn. Tuy nhiên, bộ phun sương này có chi phí khá cao, phù hợp với những gia đình có điều kiện tài chính.

2.10 Làm trần thạch cao, trần nhựa cách nhiệt

Trần thạch cao là giải pháp được áp dụng phổ biến bởi khả năng cách nhiệt hiệu quả, độ bền bỉ của vật liệu và tính thẩm mỹ. Để tối ưu hơn, tại tường nhà hướng Tây hoặc hướng chịu nhiệt, gia chủ có thể thiết kế một lớp thạch cao để giảm nhiệt lượng hấp thụ vào trong nhà. Hiện nay, có cả trần nhựa cách nhiệt, loại này sẽ có giá thành rẻ hơn. Trần nhựa có hai loại đó là trần có xốp và không có xốp. Giá của trần nhựa có xốp giao động trọng khoảng 145.000đ/m2, tùy vào độ dày của xốp. Còn trần thạch cao có giá khoảng 150.000đ/m2 trở lên.

Áp dụng nguyên lý 3: Tăng khả năng thông gió

2.11 Làm giếng trời

Giếng trời là giải pháp hoàn hảo cho những ngôi nhà mái tôn, giúp khắc phục những ngôi nhà có 3 bên đều là tường nhà hàng xóm, không mở được nhiều cửa sổ. Vật liệu thường sử dụng cho giếng trời đó là kính cường lực hoặc  tấm lấy sáng Polycarbonate - chúng đều có khả năng kháng lại tia UV. Tuy nhiên, cần phải có sự hỗ trợ của KTS, đội ngũ chuyên môn xây dựng để nhận được phương pháp phù hợp nhất với khu đất và vị trí của bạn. Khi lắp giếng trời cũng cần chú ý các vấn đề như ánh sáng, tiếng ồn hay hắt mưa.

2.12 Làm ống thông gió

Đây là giải pháp lấy luồng gió tự nhiên vào nhà, ống thông gió được làm bằng inox nên không bị oxy hóa, bền bỉ. Ống thông gió inox cũng có trọng lượng khá nhẹ, có thể di chuyển dễ dàng đến nơi cần lắp đặt. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và khó mang lại hiệu quả quá cao so với những phương pháp chống nóng cho mái tôn như trần thạch cao, xốp cách nhiệt....

2.13 Dùng quả cầu thông gió

Chắc hẳn bạn không còn xa lạ với quả cầu thông gió, đây là thiết bị cơ khí công nghiệp làm bằng inox. Nguyên lý hoạt động dựa trên đối lưu không khí, lấy gió tự nhiên, tạo sự thông thoáng cho không gian. Từ đó hút khí nóng trong nhà và đưa luồng gió mát vào ngôi nhà. Giải pháp này tiết kiệm chi phí, gọn nhẹ, thân thiện với môi trường, lưu thông liên tục. Tuy nhiên, sử dụng quả cầu thông gió cần có số lượng lớn mới mang lại hiệu quả. Khi dùng cũng cần chú ý kiểm tra liên tục, đảm bảo không có vật cản ở quả cầu.

2.14 Bố trí cửa sổ trong phòng, khe để thông gió

Sử dụng tường gạch bông gió, giúp ngôi nhà đạt hiệu quả thông gió và thoáng khí. Trong các phòng của căn nhà có thể bố trí thể cửa sổ trong phòng, khe để thông gió để giúp luồng gió trong luân chuyển tốt hơn. Có nhiều ngôi nhà áp dụng giải pháp này, bạn có thể tham khảo Mango House với ứng dụng nguyên tắc thông gió chéo để cải thiện điều hoà không khí.

2.15 Dùng quạt điện thông gió

Trong trường hợp không thể thông gió tự nhiên, gia chủ hoàn toàn có thể sử dụng quạt thông gió. Khi lắp quạt thông gió sẽ giúp không khí trong phòng được lưu thông dễ dàng hơn, dễ chịu hơn rất nhiều. Cách này thường áp dụng tại nhà xưởng, xí nghiệp... Chi phí ban đầu không quá lớn nhưng khả năng làm mát cũng bị hạn chế, không bằng các phương pháp như trên.

2.16 Sử dụng điều hòa hoặc quạt hơi nước

Phương pháp này chắc hẳn được áp dụng ở hầu hết những căn nhà có mái tôn đó là dùng điều hòa hay quạt hơi nước. Tuy nhiên, chỉ sử dụng điều hòa, quạt hơi nước về bản chất sẽ làm mát cục bộ ở những không gian cần làm mát. Do đó, vẫn cần có sự kết hợp với các giải pháp khác để tạo được sự thông thoáng cho cả ngôi nhà.

2.17 Bố trí hồ bơi, hồ cá trong nhà

Không chỉ là một cách chống nóng cho mái tôn mà cách thức này cũng có ý nghĩa phong thủy đem đến vượng khí cho ngôi nhà. Đồng thời cũng là nơi "để chill" cho tổ ấm gia đình của bạn. Chi tiết này cần được tính toán, thiết kế từ sớm sẽ là giải pháp hiệu quả giúp căn nhà trở nên mát mẻ một cách tự nhiên.