Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty TNHH tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) cho biết, theo pháp luật hiện hành, nhà ở dân sinh dưới 5 tầng không cần có thiết kế về Phòng cháy chữa cháy (PCCC), bởi vậy sẽ phát sinh tâm lý chủ quan của người dân.
Tuy nhiên, bất kể cá nhân nào cũng nên trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống cháy nổ và thoát hiểm khi sự cố xảy ra.
Đối với các công trình dân sinh dưới 5 tầng, đặc biệt dạng nhà ống chỉ có một mặt thoáng, nghĩa là chỉ có duy nhất một lối tiếp cận đến công trình, cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, cửa chính luôn được bố trí mở ra ngoài, để có thể thoát nạn dễ dàng khi sự cố xảy ra. Không nên sử dụng các loại cửa khó đóng mở, làm khung sắt kiên cố hoặc lắp phụ kiện tay khuỷu thủy lực vì cần dùng nhiều sức.
Thứ hai, thiết kế cửa ra vào cần thuận tiện cho việc đóng mở, ưu tiên sử dụng các loại chốt hãm, không dùng chìa.
Thứ ba, tại cửa sổ, ban công hay lô gia cần bố trí các hệ thống thang dây, đặt ở những vị trí thuận lợi dễ quan sát và tháo lắp. Bố trí mặt nạ phòng chống khói độc ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà. Với những vị trí quan trọng như cửa chính, cửa sổ... có thể bố trí thêm các dụng cụ hỗ trợ như búa phá kính.
Thứ tư, hệ thống ban công chuồng cọp luôn phải thiết kế có cửa mở (không nên hàn kín) để có thể sử dụng khi cần thiết. Trên ban công tầng thượng cần bố trí các hệ thống thang cứng hoặc thang dây, có thể dễ dàng tiếp cận sang các công trình lân cận khi cần thiết.
Ngoài ra, cần đảm bảo cho tất cả mọi người trong gia đình nắm bắt được những vị trí lối thoát hiểm và các thiết bị dụng cụ hỗ trợ và cách sử dụng khi cần thiết, đặc biệt là đối với người già trẻ nhỏ và người khuyết tật.
Giếng trời cũng là vị trí quan trọng có thể giúp giảm thiểu lượng khói khi xảy ra hỏa hoạn. Ngoài việc hạn chế quẩn khí độc trong nhà, giếng trời còn là một lối thoát hiểm khác. Bởi vậy, không nên bịt kín giếng trời. Nên sử dụng khung thép sau đó lắp mái che tự động điều chỉnh đóng mở hoặc lắp kính cường lực lấy sáng. Ngoài ra, có thể thiết kế hệ thống thang leo hoặc dây cáp tại vị trí này, đề phòng trường hợp hỏa hoạn xảy ra.
Nếu có điều kiện nên lắp các hệ thống báo cháy báo khói trong nhà tại những vị trí có nguy cơ cao dẫn đến cháy nổ như bếp, nhà xe.
Với các căn hộ chung cư nên có những thỏa thuận với các căn liền kề phía dưới hoặc phía trên để có thể đặt hệ thống thang cứng hoặc thang dây di chuyển qua nhau khi cần thiết. Có thể liên kết bằng việc bố trí các miệng cửa thoát hiểm ngay phía dưới ban công mỗi nhà.
* Lưu ý: Khi xảy ra hỏa hoạn, cần kiểm tra độ nóng các vị trí tay nắm cửa hay các thiết bị bằng kim loại trước khi sử dụng, tránh gây bỏng hoặc tay bị dính chặt vào tay nắm cửa.
5 kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy chung cư
1. Dập lửa bằng bình cứu hỏa
Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên bạn phải bình tĩnh để xử lý và nhanh chóng tìm giải pháp "dập lửa, thoát hiểm" bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy.
Làm gì khi nhà chung cư xảy ra hỏa hoạn? Bạn ngap lập tức ấn chuông báo động tòa nhà; hô hào thông báo cho mọi người biết có cháy trên đường thoát hiểm; gọi 114 thông báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
2. Tuyệt đối không dùng thang máy
Trong cơn hỏa hoạn, tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát nạn. Vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ bạn kẹt trong đó. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ "EXIT" – lối ra để thoát nạn.
3. Kiểm tra cửa trước khi mở
Nếu phải mở cửa hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở. Khi mở cửa nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt và tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất.
4. Xác định vị trí đám cháy
Với trường hợp đám cháy không xuất hiện ở phòng, tầng của mình. Việc đầu tiên các bạn cần phải làm là xác định vị trí của ngọn lửa và nguồn khói. Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới.
Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, bạn hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng, vì di chuyển trong môi trường dày đặc khói quá lâu sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát. Nhiều tòa nhà luôn khóa cửa ở tầng thượng thì không nên di chuyển lên trên bởi nếu lối thang bộ bị nhiễm khói, đây là nơi tập trung khói bay lên.
5. Băng qua lửa bằng chăn ướt
Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước để bịt lên mũi, giúp hạn chế hít phải khí độc.
Khi ngoài cửa căn hộ đã bị bao vây bởi lửa không thể thoát ra ngoài, bạn nên nhanh chóng thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng; dùng các thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm.