xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM - Tầm nhìn hướng biển

PHƯƠNG NHUNG

Xây dựng một hệ sinh thái đô thị biển bền vững, cạnh tranh được với các đô thị biển quan trọng của khu vực, trở thành trung tâm hàng hải kết nối với thế giới là nhiệm vụ quan trọng của TP HCM trong thời gian tới

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đặt mục tiêu năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước... 

Với vai trò "nhạc trưởng" của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP HCM cần chủ động xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế biển kết nối với chuỗi đô thị quốc tế, đóng góp vào chiến lược chung của quốc gia.

Tiềm năng lớn

Dựa trên phương pháp thiết lập bản đồ địa kinh tế - không gian, các chuyên gia đánh giá vùng TP HCM có nhiều yếu tố thuận tiện để xây dựng hệ thống đô thị cửa ngõ vùng của 8 tỉnh. Trong đó, chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế biển vùng TP HCM. Hệ thống đô thị cửa ngõ này có thể kỳ vọng trở thành khu vực hoạt động kinh tế biển đầy tiềm năng, kết nối đủ mạnh, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.

Gửi tham luận đến hội thảo "TP HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" do UBND TP HCM tổ chức hôm nay (30-3), PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững, chỉ rõ vùng TP HCM có vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế, nằm trên tuyến giao thông xuyên Á và là cửa ngõ tiềm năng kết nối với cảng Busan (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Tuy vậy, công suất hàng hải hiện nay chỉ đạt chưa đến một nửa công suất tối đa của hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Điều này cho thấy tiềm năng còn rất lớn và thách thức đặt ra hiện nay là tăng nhanh khả năng tích tụ hàng hóa và cạnh tranh hàng hải đối với khu vực.

"Hệ thống hàng hải khu vực châu Á đang tập trung tại các TP đảo như: Singapore, Thâm Quyến, Hồng Kông (Trung Quốc), Thượng Hải, Macau (Trung Quốc), Busan (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Trong đó, TP HCM là một địa chỉ trung gian, trung tâm hàng hóa của các vùng cửa ngõ nêu trên và kết nối trực tiếp với hệ thống cảng biển của Singapore. Do Singapore có những giới hạn và sự tách biệt về không gian địa lý nên đây chính là cơ hội cho các địa điểm trung gian như các cảng biển vùng TP HCM cạnh tranh trong tương lai để chủ động tham gia chuỗi giá trị hàng hải quốc tế" - PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục phân tích.

PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục cũng nhấn mạnh vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ gồm 8 tỉnh gần như tạo thành một "bát giác kim cương", ôm lấy lõi tự nhiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ rộng hơn 42.000 ha. Do vậy, vùng đô thị - cảng biển quốc tế này sẽ trở thành cực kinh tế biển khi kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế từ tầm nhìn phát triển nhanh chuỗi đô thị biển mặt tiền Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công.

TP HCM - Tầm nhìn hướng biển - Ảnh 1.

Một dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, TP HCM đang được triển khai Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đánh thức kinh tế biển

Mặc dù giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế song vai trò dẫn dắt cũng như động lực tăng trưởng của TP HCM hiện không còn nổi bật; quy mô, tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là do tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển đang bị lãng quên, chưa được đưa vào chiến lược phát triển toàn diện của TP như là một động lực có ý nghĩa quan trọng trong nhiều năm qua.

"Hệ thống giao thông thủy và kinh tế cảng gắn với dịch vụ hệ sinh thái sau cảng hàng trăm năm nay luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng với TP HCM. Khu vực kinh tế dịch vụ đóng góp tới 61% GDP của TP, nhưng gần như chỉ dựa vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Soài Rạp để ra biển. Là một TP biển nhưng đường bờ biển lại không nhiều, trong khi biển Cần Giờ bị lãng quên trong thời gian dài, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được phát lộ để khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm chuyển hóa và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế của TP" - một chuyên gia nhận xét.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng với vị trí địa kinh tế thuận lợi trên tuyến hàng hải kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, TP HCM cần có những thay đổi nhất định về mặt tư duy để giành lại vị thế "Hòn ngọc Viễn Đông" đã mất. "Cái Mép - Thị Vải được chọn là cảng nước sâu quốc tế nhưng không nằm trong địa giới hành chính của TP HCM. Tuy vậy, cảng hàng hải này rất gần TP HCM và có thể tạo kết nối thuận tiện. Để tận dụng cơ hội, TP HCM phải tiếp cận hướng phát triển không dựa trên địa giới hành chính mà cần đầu tư rộng hơn, tạo dựng hệ sinh thái cộng sinh, bởi một vùng kinh tế thường không trùng với ranh giới đơn vị hành chính" - GS Đặng Hùng Võ chỉ ra.

GS Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh các chiến lược phát triển cần đặt TP HCM vào vị trí một TP biển hiện đại. Trong đó, huyện Cần Giờ là vùng tiếp giáp duy nhất tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cũng là điểm duy nhất tiếp giáp với biển để phát triển các loại hình kinh tế biển. Cần Giờ ngoài chức năng là một khu rừng ngập mặn còn là không gian có thể phát triển đô thị biển gắn liền với du lịch biển. 

Khơi thông logistics vùng ĐBSCL

Khu vực ĐBSCL có mối quan hệ khắng khít với TP HCM, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, song chưa được quan tâm phát triển và đẩy mạnh liên kết toàn diện. Khu vực này có tổng chiều dài đường thủy hơn 15.000 km với gần 60 cảng nội địa và gần 4.000 bến thủy nội địa nhưng chủ yếu phân tán, manh mún, công suất xếp dỡ nhỏ. Do đó, các chuyên gia góp ý hình thành một chiến lược phát triển tổng thể vùng TP HCM kết nối với vùng ĐBSCL trong lĩnh vực giao thông thủy và bộ, giúp đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế chung.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo