Theo các lý giải, việc giá nhà quá cao, gấp đến hàng chục lần thu nhập là bởi giá đất đai đắt, các loại sắc thuế về đất đai khá cao và cách thu của Nhà nước chưa hợp lý.
Tại cuộc họp với Ban Kinh tế Trung ương mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đưa ra một thông tin, ở Hàn Quốc, giá nhà của thị trường này gấp 5-7 lần thu nhập của người dân. Trong khi tại Việt Nam, giá nhà vừa túi tiền, chứ không nói nhà cao cấp, đã gấp 22-25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. “Như vậy, giá nhà của chúng ta là nằm ngoài khả năng của đa số người dân và đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, tính toán”, ông Châu nói.
Nhận định về con số này, bà Nguyễn Hoài An - chuyên gia đánh giá thị trường BĐS của CBRE - cho rằng, so với các quốc gia phát triển, thông thường tỷ lệ này rơi vào khoảng 7 – 10 lần so với thu nhập. Việt Nam là nước đang phát triển song giá nhà lại gấp 20 - 25 lần là tỷ lệ khá cao.
Theo bà An, giá của BĐS là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố, không chỉ thu nhập. Mà còn là giá thành xây dựng, tỷ lệ lợi nhuận phù hợp để các chủ đầu tư chấp nhận đầu tư BĐS. Tại Việt Nam, BĐS là ngành rất được ưa chuộng, do đó mức độ quan tâm đầu tư BĐS ở Việt Nam tương đối lớn so với các thị trường khác trong khu vực.
Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cũng cho rằng, giá BĐS ở Việt Nam hiện đang rất cao so với khu vực, xấp xỉ gần bằng những nước có giá BĐS đắt đỏ trên thế giới. Trong khi đó, thu nhập ở những nước đó cao gấp mấy lần thu nhập ở Việt Nam.
Ông Đình đưa ra số liệu thống kê, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam là 2.112 USD/năm, còn mức lương của người lao động Singapore là 44.352,55 USD/năm, cao gấp 21 lần so với Việt Nam. Trong khi đó, giá nhà ở của Việt Nam và Singapore không chênh lệch là bao.
Theo ông Đính, giá BĐS tại Việt Nam cao như vậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Giá đất đai đắt, các loại sắc thuế về đất đai khá cao và cách thu của Nhà nước chưa hợp lý. Có thể thấy, quá trình thủ tục hóa các dự án BĐS khá phức tạp, cồng kềnh; thời gian thường kéo dài dẫn đến chi phí khá lớn.
“Các chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan cũng còn nhiều mâu thuẫn, chưa thống nhất; tình trạng sắc thuế chồng chéo, chưa phù hợp... khiến cho BĐS phải "cõng" quá nhiều chi phí, giá nhà ở tăng cao”, ông Đính nói.