Nhà gia đình đại gia Hứa Bổn Hòa
Người Sài Gòn xưa vẫn lưu truyền câu nói về 4 người giàu có là "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa". Nhân vật xếp thứ tự trong câu nói này có tên thật là Hứa Bổn Hòa (1845-1901), gốc người ở Minh Hương, Trung Quốc, sau đó sang định cư ở đất Nam Bộ từ thế kỷ 17.
Ông được mệnh danh là người sở hữu 20.000 căn nhà mặt phố ở Sài Gòn - Gia Định xưa. Dân gian truyền nhau về chuyện ông đi lên từ nghề ve chai, sau đó dần dần mở rộng, phát triển kinh doanh và có cơ nghiệp khổng lồ. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM
Những năm cuối đời, đại gia Hứa Bổn Hòa muốn có một dinh thự cho con cháu ở nhưng chưa thực hiện được. Sau khi ông qua đời, gia đình đã xây ngôi nhà bề thế mà nay trở thành Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Công trình hoàn thành năm 1925, tường dày 40-60cm, có hình chữ U với 4 tầng và nhiều căn phòng. Toàn bộ ngôi nhà được kiến trúc sư người Pháp thiết kế.
Dinh thự có 99 cửa lớn nhỏ, các đường nét tinh tế với sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Đông - Tây. Ngoài kiến trúc đồ sộ của công trình thì bên trong dinh thự này vẫn còn lưu giữ một chiếc thang máy bằng gỗ, được sản xuất ở châu Âu. Đây là thang máy đầu tiên ở Sài Gòn, bên trong được trang trí công phu, tỉ mỉ. Ảnh: Quốc Lê
Sau năm 1975, gia đình doanh nhân Hứa Bổn Hòa ra nước ngoài sinh sống. Trong những năm qua, đây là địa chỉ văn hóa trưng bày nhiều hiện vật và tác phẩm nghệ thuật đồng thời là điểm đến thu hút du khách khắp nơi.
Nhà Công Tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy
Nhà của Công tử Bạc Liêu (tên thật là Trần Trinh Huy, 1900-1974) được xây dựng năm 1919, trải qua trăm năm đến nay vẫn bền vững theo thời gian. Ngôi nhà này do ông Trần Trinh Trạch, cha của Công tử Tử Bạc Liêu xây dựng, do kiến trúc sư Pháp thiết kế. Hiện nay, ngôi nhà tọa lạc ở số 13, đường Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Gia đình Công tử Bạc Liêu vốn giàu có, cha sở hữu hàng chục ngàn ha đất trồng lúa và ruộng muối hồi đầu thế kỷ 20. Ngoài kiến trúc của công trình cũng như hiện vật còn lưu giữ ở đây thì giai thoại về độ ăn chơi, tiêu xài xa xỉ của ông Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu hay còn gọi là Hắc Công Tử) cũng là điều hút du khách.
Trong nhà còn lưu giữ được chiếc giường nóng và giường lạnh sang trọng. Giường nóng được làm từ gỗ giáng hương, được ông Trần Trinh Huy dùng vào mùa mưa, còn giường lạnh làm từ gỗ sưa có khảm đá cẩm thạch rất tỉ mỉ được dùng vào mùa nắng nóng.
Chiếc ô tô được ông Trần Trinh Trạch mua năm 1930 để đón con trai là Công tử Bạc Liêu khi du học từ Pháp trở về vẫn được giữ nguyên vẹn và trưng bày trong nhà.
Nhiều vật liệu xây dựng ngôi nhà cũng được đưa từ Pháp về. Khi vừa bước chân vào trong, khách đã ấn tượng với các đường nét thiết kế tinh tế toát lên sự sang trọng, trên trần nhà có đèn màu vàng kiểu cổ. Tầng một là nơi có hai phòng ngủ, phòng khách, 2 đại sảnh và cầu thang dẫn lên phía trên.
Tầng 2 là nơi bố trí 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh giúp dinh thự luôn mát mẻ. Khi mới xây dựng xong, đây là công trình bề thế bậc nhất ở Bạc Liêu, người dân vẫn còn gọi với tên khác là "Nhà Lớn".
Nhà của Bạch công tử
Sống cùng thời với Công tử Bạc Liêu (Hắc Công Tử) là Bạch Công Tử có tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Tư Phước hay George Phước (1895-1950). Người này cũng nổi tiếng về độ ăn chơi xa xỉ, tốn kém thời xưa.
Nhà của Bạch Công Tử có tổng diện tích 322m2, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 4.000m2. Hiện nay, ngôi nhà có kiến trúc xưa đang nằm trong khuôn viên của Trung tâm văn hóa TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định xếp hạng công trình này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: mytho.tiengiangtourist.vn.
Kèo của ngôi nhà đều làm bằng gỗ quý, tường dày 20cm, nền lát gạch bông, 8 mái lợp ngói vảy cá. Trên vòm cửa được chạm các hình ảnh rồng, phượng, hoa... rất tinh xảo. Trên vách tường ở tiền sảnh có 4 bức tranh tường nhưng hiện nay đã bị mờ, mất hết chi tiết và màu sắc. Ảnh: mytho.tiengiangtourist.vn.