Khoảng thông tầng là một giải pháp kiến trúc nhằm tối ưu khả năng thông gió tự nhiên và lấy sáng hiệu quả cho nhà phố, có thể khắc phục nhược điểm về diện tích hạn chế, thiếu ánh sáng tự nhiên. Bên cạnh đó, thông tầng còn giúp tạo điểm nhấn, tăng khả năng quan sát, có thể tận dụng trồng cây để thêm mảng xanh cho nhà ở.
Bạn cần phân biệt được sự khác nhau giữa khoảng thông tầng và giếng trời, mặc dù hai thiết kế này có tác dụng khá giống nhau. Giếng trời là khoảng không thông từ tầng một lên đến mái, hay còn được biết đến như ô thoáng đối với nhà một tầng.
Còn thông tầng áp dụng cho khoảng 2-3 tầng của một ngôi nhà, thường gặp ở nhà có gác lửng cao, chiều sâu trên 10 m. Nếu chiều sâu trên 20 m, gia chủ có thể bố trí từ 2-3 lỗ thông tầng.
Tùy vào điều kiện thực tế, gia chủ có thể chọn đặt khoảng thông tầng ở giữa hay cuối nhà, phòng khách, bếp, cầu thang... Trong đó, vị trí thông tầng giữa nhà sẽ tối ưu nguồn ánh sáng tự nhiên và phân bổ cho không gian xung quanh. Khi kết hợp với thang bộ và hành lang giao thông giữa các không gian, giải pháp này còn giúp tiết kiệm diện tích, tăng tính kết nối.
Thông tầng phòng khách cũng là phương án được nhiều người lựa chọn, thường thiết kế như một không gian mở, bố trí thêm tiểu cảnh, non bộ hay trồng cây phía dưới. Trường hợp đặt ở cuối nhà, khoảng thông tầng sẽ mang đến cảm giác thoáng đãng cho bếp và phòng ăn.
Ngay từ khi lên ý tưởng thiết kế, gia chủ cần tính toán kỹ về vị trí để cân đối giữa các khu vực và phát huy tối đa công dụng của khoảng thông tầng.
Tối ưu hiệu quả sử dụng
Nếu khoảng thông tầng rộng rãi, có thể bố trí phòng đọc sách, làm việc, khu vui chơi trẻ em hay không gian sinh hoạt chung dành cho cả gia đình. Dưới khu vực tầng một, nên tận dụng để trồng cây, bố trí thêm tiểu cảnh, hồ nước để tăng mảng xanh cho ngôi nhà.
Để tăng thẩm mỹ, gia chủ có thể chọn trang trí vách tường ở khoảng thông tầng bằng đá, kính cường lực, treo thêm đèn chùm.
Lưu ý về thiết kế
Thiết kế thông tầng dạng ống thẳng xuyên suốt nhiều tầng nhà ít được áp dụng trong thực tế. Vì khi đó sẽ tạo thành một đường ống truyền dẫn tiếng vang, gây ảnh hưởng đến sự riêng tư của các thành viên trong gia đình.
Đặc biệt, khu vực hành lang, cửa sổ và cầu thang giáp ranh khoảng thông tầng phải có lan can, rào chắn, hoa sắt... để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt.
Trên thực tế, tuy đã có quy định về diện tích thông thoáng tối thiểu trong thi công nhà, nhưng có rất ít gia chủ quan tâm đến yếu tố này. Để giúp tối ưu ánh sáng tự nhiên và lưu thông không khí, bạn vẫn nên cân nhắc thiết kế một hay nhiều khoảng thông tầng trong nhà.
Về chi phí, giải pháp này ít tốn kém hơn khi tính trên m2 thi công, do không phải đổ sàn bê tông. Nếu so sánh giá trị cùng m2 sàn và số tầng cao trong cùng một dạng công trình, ngôi nhà có thông tầng sẽ giảm từ 3-7% chi phí.
5 lưu ý khi xây gác lửng cho nhà một tầng
Gác lửng là giải pháp nhằm mở rộng diện tích sử dụng đối với ngôi nhà có diện tích nhỏ hay các khu vực bị hạn chế về chiều cao công trình. Gác lửng vừa có thể làm không gian riêng tư như phòng ngủ, phòng làm việc, vừa phù hợp làm nơi sinh hoạt chung của gia đình như phòng khách, phòng bếp, phòng ăn, khu vực giải trí...
Quá trình thiết kế và thi công cần lưu ý các yếu tố sau:
Kích thước
Theo lý thuyết, chiều cao của gác lửng thường ở trong khoảng 2,4-2,8 m, nhưng trên thực tế ít khi xây cao hơn 2,4 m. Diện tích của gác lửng không vượt quá 60% diện tích mặt sàn theo quy chuẩn xây dựng. Nếu xây thấp sẽ làm cho không gian này có cảm giác tù túng, nhưng quá cao thì lại chẳng khác gì một tầng riêng biệt.
Xác định công năng và vật liệu
Ngay từ khi lên ý tưởng xây gác lửng, gia chủ cần xác định rõ công năng sử dụng, giúp việc thiết kế và trang trí trở nên dễ dàng và đồng bộ hơn. Nếu được thi công trong quá trình xây dựng nhà, khu vực gác lửng này sẽ sử dụng bê tông, cốt thép làm vật liệu chính và có độ bền cao.
Nếu khu vực gác lửng được thi công sau khi công trình nhà ở đã đi vào sử dụng thì sẽ ưu tiên những vật liệu nhẹ, dễ sử dụng và có độ cứng, độ bền cao, ví dụ như gỗ, tấm làm gác lửng chuyên dụng... Trường hợp này, gia chủ nên bố trí phòng ngủ, phòng làm việc sẽ phù hợp hơn là làm các phòng tập thể thao, bếp...
Vì không gian tương đối hẹp nên khi bố trí nội thất tại gác lửng, gia chủ cần tiết chế về số lượng và kiểu dáng để tránh cảm giác rối mắt, không gian càng trở nên chật chội. Nên ưu tiên tone màu trung tính, hạn chế màu sặc sỡ.
Lưu ý không nên sử dụng đèn trần dạng chùm hay quạt trần để tránh việc thừa ánh sáng và đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng. Hệ thống trần nên được thiết kế và thi công theo phong cách đơn giản, bằng phẳng hoặc kiểu giật cấp nhẹ.
Lan can
Lan can cho gác lửng nên được làm từ chất liệu kính cường lực, gỗ hoặc kim loại, thiết kế đơn giản không cầu kỳ. Không nên làm lan can quá cao sẽ gây mất cân đối không gian, cũng không nên quá thấp nhằm phòng tránh rủi ro mất an toàn, đặc biệt cho trẻ em. Chiều cao tiêu chuẩn của lan can cầu thang nên ở khoảng 90 cm.
Cầu thang
Gia chủ có thể cân nhắc lựa chọn cầu thang thẳng, xương cá, xoắn ốc, với các chất liệu đa dạng như gỗ, kính, sắt... Tuy nhiên, không nên đặt cầu thang ở chính giữa vì vừa tốn diện tích lại bất tiện khi sử dụng. Thay vào đó, vị trí nằm sát tường sẽ phù hợp hơn.
Hai yếu tố quan trọng cũng cần chú ý khi thiết kế gác lửng là ánh sáng và nhiệt độ. Để giải quyết nhược điểm thiếu ánh sáng, gia chủ nên lắp đặt hệ thống điện khoa học, cùng các cửa sổ đón ánh sáng tự nhiên kết hợp thông gió. Với yêu cầu điều hòa nhiệt độ, đặc biệt trong mùa hè nóng bức, có thể cân nhắc phương án sử dụng tấm cách nhiệt trên trần và xung quanh tường.
Về chi phí xây gác lửng thường được tính theo m2. Đơn giá trung bình hiện nay khoảng 5-6 triệu đồng một m2, tùy vào vị trí xây dựng, vật liệu, độ khó trong thi công thực tế.
Các lưu ý khi xây nhà có tầng hầm
Tầng hầm (hoặc tầng ngầm) nằm hoàn toàn dưới mặt đất, có thiết kế mặt bằng tầng trệt ngang với vỉa hè. Còn tầng bán hầm là tầng có một nửa chiều cao nằm trên hoặc bằng với mặt đất, phần còn lại nằm âm dưới lòng đất. Vì thế, không phải kiểu nhà nào tại vị trí nào cũng có thể xây tầng hầm vì cần đáp ứng một số điều kiện.
Thứ nhất, phần nổi của tầng hầm (tính đến sàn trệt) tối đa là 1,2 m so với vỉa hè của khu vực đó. Thứ hai, lối lên xuống tầng hầm phải cách lộ giới tối thiểu là 3 m. Ngoài ra, nhà phố có mặt tiền giáp với lộ giới nhỏ hơn 6 m thì không được phép xây tầng hầm.
Một số tiêu chí gia chủ cần xem xét trước khi xây nhà có tầng hầm là công năng, vị trí, diện tích, chiều cao, thiết kế và chi phí.
Đầu tiên, chủ nhà cần xác định mục đích sử dụng chính của tầng hầm để kiến trúc sư có thể đưa ra tư vấn phù hợp. Khu vực này không chỉ giải quyết vấn đề về chỗ để xe mà còn mang đến không gian tiện ích dành cho gia đình như tận dụng làm kho chứa đồ hay nơi lắp đặt hệ thống trang thiết bị.
Về diện tích, nếu chủ nhà cần nhiều chỗ để xe thì nên ưu tiên làm tầng hầm rộng rãi. Tuy nhiên nhà có diện tích sử dụng nhỏ không nên làm vì đường xe vào có thể chiếm gần hết diện tích của hầm, dẫn đến lãng phí và không hiệu quả. Diện tích của tầng hầm cần hài hòa với tổng thể kiến trúc ngôi nhà.
Chiều cao tối thiểu của tầng hầm nhà phố, biệt thự là 2,2 m. Đây cũng là độ cao tối thiểu của dốc lên xuống để các phương tiện xuống hầm dễ dàng. Tùy theo mục đích sử dụng hầm và kích thước của các loại xe trong gia đình mà chủ nhà có thể xây dựng độ cao của dốc cho phù hợp.
Về chi phí, thiết kế, xây dựng nhà phố hay biệt thự có tầng hầm sẽ cao hơn 115-140% so với nhà không tầng hầm. Chi phí sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ sâu của hầm cũng như vật liệu lựa chọn.
Một số lưu ý trong quá trình thi công là trát phẳng tưởng và sử dụng loại sơn dễ lau chùi, chống bám bẩn. Sàn tầng hầm nên sử dụng vật liệu có độ chống mài mòn, trơn trượt và dễ cọ rửa. Những yếu tố này giúp cho khu vực tầng hầm trở nên sạch sẽ và an toàn khi sử dụng.
Bên cạnh đó, công đoạn chống thấm, hệ thống chiếu sáng và thoát nước cũng cần tính toán cẩn thận, tránh tình trạng ngập úng, cảm giác ngột ngạt và bí bách khi sử dụng.