Ảnh minh họa
Khóa van tín dụng: Giá nhà "cõng" thêm chi phí, lo tổn hại nền kinh tế
Tại Hội nghị triển khai toàn ngành vừa diễn ra, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, khẳng định "chưa bao giờ nói sẽ siết chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản". Tuy vậy, ông cũng dẫn quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát chặt rủi ro tín dụng với một số lĩnh vực trong đó có bất động sản.
Theo giới chuyên gia, đây chỉ là cách "chơi chữ" bởi hai cách gọi là tương đồng về bản chất. Quan trọng hơn, thực tế các ngân hàng thương mại cũng đã có động thái siết với các khoản vay trong lĩnh vực BĐS.
Bởi vậy, không ít ý kiến đang tỏ ra lo ngại về hậu quả của việc BĐS nghẽn dòng vốn khi đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế. Chia sẻ tại hội thảo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mới đây, TS Trần Du Lịch cho hay trong khoảng 20 năm qua, thị trường bất động sản đã đóng góp rất lớn vào hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị.
Bởi thế, ông đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ tháo gỡ vốn cho nhà ở gắn với nhu cầu thực của người dân. "Nếu không, sự ngưng trệ của bất động sản sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế" – TS Trần Du Lịch nói.
Thực tế thời gian qua, dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản đã bị siết chặt đáng kể và đang gây ra những hệ lụy tiêu cực tới thị trường.
Ở kênh trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tháng 4-2022 cho thấy, trong tháng không có đợt phát hành trái phiếu nào ra công chúng và riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản. Trong khi thời gian trước, bất động sản là một trong những lĩnh vực các doanh nghiệp huy động nguồn vốn rất lớn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Ở kênh tín dụng, tốc độ tăng dư nợ tín dụng bất động sản đã chậm lại sau nhiều năm. Đây là hệ quả của việc kiểm soát, thắt chặt nguồn tiền đổ vào thị trường này. Việc không tiếp cận được nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản không có đủ nguồn lực để hoàn thiện, đưa dự án vào vận hành, khiến nguồn cung vốn đã khan hiếm nhiều năm qua lại càng tắc nghẽn…
Về lâu dài, nguồn cung bị ảnh hưởng tiêu cực vì hệ lụy của "khóa van" bất động sản sẽ tác động tới cả người có nhu cầu ở thực và thị trường. Khách hàng ngoài việc phải "cõng" chi phí ngày một tăng cao của tiền đất, phí nguyên vật liệu, nhân công xây dựng, nay lại tiếp tục phải gánh thêm khoản tăng giá bất hợp lý vì nguồn cung bị bóp nghẹt, giá thành xây dựng tăng vọt vì thời gian thi công kéo dài.
Chưa kể, mức giá bất động sản tăng lên bất thường thúc đẩy chi phí sản xuất các ngành liên quan (bán lẻ, sản xuất công nghiệp…) có thể gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô.
Tránh "vết xe đổ" của Trung Quốc
Nhìn rộng ra, Trung Quốc - nơi từng mạnh tay siết tín dụng BĐS hiện đang phải trả giá đắt khi thị trường rơi vào cảnh tắc nghẽn, doanh nghiệp vỡ nợ. Nhiều doanh nghiệp bất động sản nước này cho biết họ đã không nhận được các khoản tín dụng mới từ các ngân hàng mặc dù các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhiều lần đảm bảo rằng lĩnh vực bất động sản sẽ không bị vỡ nợ và sẽ yêu cầu các ngân hàng gia hạn các khoản vay.
Để giải quyết tình trạng này, mới đây, các cơ quan quản lý tài chính bao gồm Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Sở giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến đã có các thông báo nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hỗ trợ nhu cầu tái cấp vốn trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc chính là bài học lớn cho Việt Nam. Để giải quyết vấn đề một cách gốc rễ, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần nhìn nhận đúng vai trò của bất động sản với nền kinh tế và xóa bỏ tư duy thù địch để khơi thông nguồn vốn cho thị trường này, đặc biệt là với những chủ đầu tư uy tín, dự án chất lượng, đảm bảo tiến độ, tính thanh khoản tốt, mang lại nhiều giá trị.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, bất động sản liên quan ít nhất 4 lĩnh vực có đóng góp lớn cho GDP là xây dựng, du lịch, lưu trú ăn uống và tài chính ngân hàng. Đóng góp của các lĩnh vực này lên đến 26% GDP. Chưa kể, bất động sản là lĩnh vực liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau; thu hút vốn FDI tới 10% trong những tháng đầu năm 2022.
"Nếu bất động sản bị ảnh hưởng thì hệ lụy kéo theo hàng loạt. Nền kinh tế của chúng ta trên góc độ vĩ mô đang phục hồi rất tốt sau đại dịch, nếu để các yếu tố liên quan dòng vốn ảnh hưởng đến bất động sản, chứng khoán thì thực sự không đáng. Vì vậy, cần xem xét để phát triển doanh nghiệp xanh, trái phiếu xanh, bất động sản bền vững" – TS Cấn Văn Lực nói.
Đồng tình, một chuyên gia trong ngành kinh tế thậm chí cảnh báo, cơ quan chức năng cần có hành động sớm để tránh lỡ cơ hội phục hồi hậu Covid-19. Điều nguy hiểm là nếu tiếp tục theo đuổi siết tín dụng, BĐS sẽ ngày càng bị tác động tiêu cực và ảnh hưởng trầm trọng hơn tới nền kinh tế. "Nếu nền kinh tế gặp khó, nặng nề hơn là có thể gây kiệt quệ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm", vị này cảnh báo.