Khi phân tích mức tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá theo cả 2 phương án của Bộ Tài Chính, nhiều chuyên gia nhận định việc tăng quá nhanh của thuế sẽ khiến giá bán sản phẩm thuốc lá hợp pháp sau tăng thuế tăng đột biến, cụ thể sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030.
Nếu như tăng thuế thuốc lá cao và đột ngột, doanh nghiệp đối mặt với áp lực kinh tế - xã hội, người nông dân và lao động sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Điều này sẽ khiến người tiêu dùng chuyển dịch sang thuốc lá lậu, từ đó thuốc lá lậu tăng phi mã khiến mặt trận phòng chống thuốc lá lậu trở nên thách thức và phức tạp hơn rất nhiều, trong khi đó sản lượng thuốc lá hợp pháp sụt giảm nghiêm trọng gây thất thoát nguồn thu thuế của Nhà nước và đặt gánh nặng lên các doanh nghiệp và người lao động trong ngành thuốc lá hợp pháp.
Từ nỗi lo kinh doanh của doanh nghiệp…
Theo đại diện của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - Bộ Tài chính tại Hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá" diễn ra tại Hà Nội, mô hình phân tích của Viện cho thấy các nhà sản xuất thuốc lá bắt buộc phải chuyển toàn bộ tác động của thuế tăng sang người tiêu dùng bằng việc tăng giá sản phẩm, từ đó vô tình đẩy người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá lậu. Điều này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành thuốc lá hợp pháp khi doanh thu sụt giảm khoảng 32%-35% và các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong thời gian ngắn.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam, cũng chia sẻ tại Hội thảo khi thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh như đề xuất, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại. Hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và rủi ro nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, kéo theo việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà bán lẻ, bán buôn chịu tác động tiêu cực.
Ngành thuốc lá hợp pháp đang tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, bao gồm 110.000 đến 120.000 nông dân trồng thuốc lá, khoảng 10.000 nhân viên nhà sản xuất, 8.000 nhân viên nhà phân phối, và khoảng 1 triệu điểm bán lẻ.
Để chứng minh rõ nét cho những hệ quả nhãn tiền nêu trên, có thể nhìn vào các bài học mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt khi thuế TTĐB thuốc lá tăng sốc.
Điển hình như tại Malaysia, sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm, và 3 nhà sản xuất thuốc lá lớn đã đóng cửa các nhà máy tại quốc gia này. Hay tại Đức, trong giai đoạn 2002-2005 khi thuế tuyệt đối tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34%.
…đến nỗi lo sinh kế của người nông dân vùng trồng nguyên liệu
Tại Việt Nam, cây thuốc lá thường được trồng nhiều ở một số vùng như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh… với tổng diện tích 12.000 ha. Cây thuốc lá được đánh giá là một trong những cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vùng núi vươn lên thoát nghèo, tận dụng được tối đa lao động dôi dư ở những vùng khó khăn.
Cây thuốc lá được đánh giá là một trong những cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vùng núi vươn lên thoát nghèo.
Theo thống kê về thu nhập của các hộ nông dân trên toàn quốc, thu nhập bình quân một tháng của một hộ nông dân riêng nhờ vào việc trồng thuốc lá là hơn 14 triệu đồng, trong khi đó tổng thu nhập bình quân một tháng của một hộ nông dân ở mức khoảng 22 triệu đồng.
Chia sẻ tại Hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá", ông Vi Nông Trường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn - cho biết cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Chi Lăng, được các nhà đầu tư thu mua giá cả rất ổn định trong các năm vừa qua; như trong niên vụ 2023-2024, giá thu mua từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg.
Ngoài ra, nhiều người dân khác tại địa phương cũng có thêm công ăn việc làm khi tham gia các công đoạn phân loại và ép kiện cũng như các nguồn thu nhập phụ trợ kèm theo.
"Chúng tôi cũng đã làm việc với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó", ông Vi Nông Trường chia sẻ.
Ông Vi Nông Trường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, chia sẻ dù đã làm việc với quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó.
Ông cũng hy vọng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ cân nhắc đến các tác động của việc tăng thuế thuốc lá lên sinh kế của người nông dân trong quá trình xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đối với sản phẩm thuốc lá.
Giải pháp nào cho bức tranh kinh tế bền vững
Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), đề xuất áp dụng mức thuế tuyệt đối là 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 đạt mức tăng 3.000 đồng/bao.
Phương án đề xuất này hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, phương án này cũng giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn. Bên cạnh đó, đến năm 2030 sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp dự kiến sẽ giảm gần 1 tỉ bao, và ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ còn 37,4%.
Khi tham khảo các phân tích của chuyên gia, các tình huống tăng thuế đã diễn ra ở một số quốc gia trên thế giới, và đặc biệt từ định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 20-8, có thể thấy rằng việc tăng thuế nên được thực hiện từng bước, với mức tăng và lộ trình hợp lý.