CEO Google Sundar Pichai lớn lên ở Chennai, Ấn Độ với hiếm hoi cơ hội gần một chiếc điện thoại, chưa kể máy tính hay Internet. Thế nhưng, chính hoàn cảnh nuôi dưỡng trong anh sự hứng thú không ngừng trước sức mạnh kỳ diệu của công nghệ.
Gia đình Pichai mất 5 năm để sở hữu chiếc điện thoại bàn đầu tiên, trước khi hàng xóm bắt đầu ghé qua gọi nhờ. "Nó trở thành tài sản gắn kết cộng đồng. Mọi người cùng đến và liên lạc với con cái khắp nơi", CEO 46 tuổi kể trong phỏng vấn với CNN mới đây. "Với tôi, đó là bằng chứng về điều công nghệ có thể hiện thực hóa".
CEO Google đang đối mặt thách thức quyền riêng tư cho người dùng và lục đục nội bộ công ty. Ảnh: CNN.
Sundar Pichai là chàng trai Ấn Độ không có cho mình chiếc máy tính riêng cho tới khi du học Mỹ diện học bổng. Đến ĐH Stanford danh tiếng là bước ngoặt của cuộc đời anh.
Pichai tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kỹ sư Stanford, rồi tiếp tục kiếm bằng MBA từ Trường Wharton, thuộc ĐH Pennsylvania. Sau đó, anh làm việc tại lần lượt Applied Materials và McKinsey trước khi đầu quân cho Google năm 2004 (Google ra đời năm 1998). Tại đây, anh trải qua nhiều vai trò gồm giám đốc trình duyệt Chrome, giám đốc sản phẩm Google và giám đốc hệ điều hành Android. Đến 2015, cựu du học sinh Ấn Độ chính thức trở thành CEO Google.
Nói về "giấc mơ Mỹ" thành hiện thực, Pichai luôn tin Mỹ là "miền đất hứa". Anh chia sẻ với CNN : "Tôi thấy ngày nay điều đó vẫn đúng. Nhưng chúng ta cần lao động miệt mài để chắc chắn".
Một phần quan trọng cho "giấc mơ Mỹ" tồn tại là tạo đường đến thành công cho người nhập cư. Vì thế, Pichai nằm trong số những CEO công nghệ nổi tiếng đã kêu gọi Quốc hội Mỹ mở cửa đất nước cho người nhập cư tay nghề cao - những "Dreamers".
Pichai, sở hữu hai quốc tịch Mỹ và Ấn Độ, lý giải: "Nếu bạn nhìn ngành công nghệ vào mọi công ty đầu tàu, sẽ thấy rất nhiều được sáng lập bởi dân nhập cư. Sự tiên phong của chúng ta trong công nghệ đến từ khả năng thu hút những nhà khoa học máy tính, nghiên cứu AI giỏi nhất".
CEO Pichai trong một dự án lập trình cho học sinh tiểu học Mỹ. Ảnh: CNN. |
Pichai kể chức CEO Google ban đầu không hề đến từ nguyện vọng của bản thân. Anh cho hay khi hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin tìm đến đề đạt, mình đã bất ngờ. "Tôi đang bận dựng sản phẩm và không hiểu chuyện đi về đâu", Pichai nhớ lại.
Và rồi từ lúc điều hành, vị CEO đối mặt hàng loạt thách thức lớn, từ làn sóng đòi quyền riêng tư người dùng, đòi đa dạng giới tính và đa dạng khác trong nội bộ công ty đến những cuộc đình công của nhân viên. Pichai thậm chí điều trần trước Quốc hội Mỹ cuối năm ngoái về bảo mật, và hiện, lo đối phó thêm nguy cơ một cuộc điều tra chống độc quyền của chính phủ với Google.
"Nghề của một CEO là giám sát đạo đức, đặc biệt khi tầm ảnh hưởng của công nghệ lên xã hội đã lớn đến thế", anh giãi bày.
Với vấn đề riêng tư ngày càng được quan tâm, Pichai cho biết Google đang tìm kiếm các biện pháp giúp người dùng tối giản hóa và có quyền kiểm soát nhiều hơn với thông tin cá nhân. Chẳng hạn, công ty mới thông báo cách cho khách hàng xóa tự động lịch sử địa điểm và nhật ký trình duyệt của họ. Pichai nói: "Tôi không nghĩ người dùng đang có cảm quan tốt việc dữ liệu riêng tư được sử dụng thế nào. Vì thế, chúng tôi gia tăng sức ép lên phía họ".
Thử thách khác với CEO Google đến từ nội bộ công ty khi năm ngoái, nhân viên Google khắp thế giới đình công tập thể nhằm phản đối văn hóa doanh nghiệp họ cho là ngó lơ nạn quấy rối tình dục và phân biệt đối xử. Vừa qua, họ đình công lần nữa vì cho rằng bị trả đũa.
CEO Pichai nhìn nhận việc đình công giúp Google trở nên công ty tốt hơn. Anh nói: "Nhân viên của chúng tôi đã lên tiếng khi công ty làm chưa đúng. Đó là phần tốt trong văn hóa Google: dám công khai thừa nhận và dốc sức cải thiện". Thực tế tháng 2/2019, Google trước sức ép đã loại bỏ quy định hợp đồng gây tranh cãi có tên "trọng tài cưỡng chế", từng cấm nhân viên họ kiện cáo ra ngoài, thay vì chỉ phân xử khiếu nại bên trong công ty.
Vị CEO đồng thời phủ nhận có trả đũa trong nội bộ Google: "Khi bạn điều hành một tổ chức lớn, điều tối kỵ là có trả thù. Tôi rất nghiêm túc chuyện này. Chúng tôi tạo quy trình nhiều lớp nghiêm ngặt giám sát việc đó".
Anh cho hay một trong những bài học quan trọng nhất có từ năm 2004 là biết lắng nghe quan điểm đa chiều. Pichai nói: "Điều bạn nghĩ thôi chưa đủ. Bạn cần nghe quan điểm bên ngoài và cởi mở để hiểu tác động từ sản phẩm làm ra, học và làm để khiến nó tốt hơn".