Người đồng sáng lập kiêm CEO WeWork Adam Neumann. Ảnh: WeWork
Mới đây, đồng sáng lập kiêm CEO của WeWork, Adam Neumann đã tham gia một buổi phỏng vấn của Business Insider để thảo luận về công việc kinh doanh cũng như quan điểm của anh về thành công và cách anh chế ngự được cái tôi của bản thân khi trở thành một tỷ phú ở độ tuổi còn trẻ.
WeWork là một công cung cấp không gian làm việc chung cho cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp được thành lập vào năm 2010 tại thành phố New York, Mỹ.
Nhớ lại thời điểm WeWork đạt mức định giá 5 tỷ USD vào cuối năm 2014, Adam Neumann cho biết anh đã phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất: cái tôi tự mãn của bản thân.
Đó là thứ anh đã phải chiến đấu để chế ngự và vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến ngày nay, khi luôn có những lời tung hô quá mức đối bản thân vị tỷ phú trẻ và công ty của anh.
Nhờ nỗ lực chế ngự "cái tôi" của bản thân, Neumann đã xây dựng WeWork thành kỳ lân công nghệ trị giá 47 tỷ USD, và dự kiến sẽ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào tháng 12 năm nay.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt như hiện nay, Neumann đã có ít nhất hai lần mạo hiểm và thất bại để rồi chán nản và sa đà vào những buổi tiệc tùng.
Chỉ đến khi anh gặp vợ tương lai và cũng là một trong những đồng sáng lập WeWork - Rebekah Paltrow (chị em họ với nữ minh tinh Gwyneth Paltrow) Neumann mới thức tỉnh và được cô kéo về với thực tại.
Lúc đó Paltrow đã nói với Neumann rằng: "Anh có rất nhiều tiềm năng, nhưng anh quá sa đọa" và cô đã thách thức anh thay đổi quan điểm của mình về ý nghĩa thành công và trở thành một người có ích cho bản thân để giúp đỡ người khác.
Neumann có 30 ngày để thực hiện thử thách này và anh đã làm được.
Adam Neumann và Rebekah Paltrow vào năm 2009. Cả hai luôn giữ bản thân trong tầm kiểm soát. Ảnh: Wargo/Getty Images
Tuy nhiên, ngay cả khi có sự giúp đỡ của Paltrow, đôi khi những suy nghĩ tự mãn vẫn le lói trong đầu Neumann.
Sau khi giàu lên quá nhanh, Neumann bắt đầu thường xuyên nghĩ rằng mình giỏi hơn những người khác. Những suy nghĩ đó không chỉ đe dọa thành công của Neumann mà còn gây nguy hiểm cho công ty của anh.
"Nếu không kiềm chế bản thân, bạn không thể xem công ty là của 'chúng ta' mà là của 'tôi'", Neumann nói với Business Insider.
Để giúp kiềm chế cái tôi của mình, Neumann (một người gốc Do Thái), đã tìm kiếm lời khuyên của giáo sĩ. Một vị giáo sĩ đã đề nghị Neumann thực hiện Shabbat, một phương pháp cấm sử dụng các sản phẩm/dịch vụ công nghệ suốt 25 giờ để dành thời gian với những người thân yêu và trở nên gần gũi hơn với Chúa.
Neumann cho biết việc thực hành ngắt mọi kết nối cho phép anh có thời gian soi xét lại bản thân. Theo vị tỷ phú trẻ, công nghệ chịu trách nhiệm phần nào cho những đau đớn và sự cô đơn mà con người cảm thấy hiện nay.
"Tôi tin rằng nhờ mỗi tuần tôi ngắt kết nối trong 25 giờ và chỉ tập trung vào những gì quan trọng nhất, suy nghĩ về bản thân tôi đã thực sự tìm ra cách quản lý bản thân và hành vi của mình", Neumann nói với Business Insider.
Ngoài Shabbat, Neumann cũng cho rằng vợ anh là người đã giúp anh sống tích cực hơn. Những cống hiến lớn lao của Paltrow cho mục tiêu giúp đỡ xã hội đã giúp kéo Neumann trở lại khi anh cảm thấy cái tôi của mình trở nên quá lớn.
"Tôi nghĩ rằng những đóng góp của cô ấy cho cuộc sống của tôi không hề được phóng đại", Neumann nói.