Khách hàng chọn mua hàng thời trang trên một website thương mại điện tử. Ảnh: Anh Quân
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Quản lý thị trường lo lắng khi nhắc với vấn nạn gian lận thương mại đang "bùng nổ" trên các sàn, website thương mại điện tử hay mạng xã hội, tại cuộc họp về chống hàng gian lận xuất xứ, hàng giả trên kênh online ngày 23/8.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các website thương mại phát triển bùng nổ trong 7 năm qua, từ 763 website năm 2013 tăng lên 10.000 trang web vào năm 2016. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5 tỷ USD năm 2016, tăng lên 8 tỷ USD sau đó 2 năm. Hiện thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá.
Cùng với quy mô thị trường gia tăng thì các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bùng nổ theo. Đến hết 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3000 tài khoản trên các sản đã bị khoá.
"Buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Youtube...) diễn ra phổ biến, công khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng và đe doạ xã hội, niềm tin người tiêu dùng", ông Linh nói, đồng thời nhấn mạnh, ngăn chặn nạn kinh doanh hàng giả, nhái trên mạng xã hội "thực sự nan giải".
"Chiêu" bán hàng nhập lậu, hàng giả trên kênh online thường là thủ đoạn sử dụng hình ảnh thật, hành chính hãng để quảng cáo, nhưng lại chào bán giá rẻ hơn nhiều hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng nhái, không có nguồn gốc xuất xứ. Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, theo ông Linh, là những mặt hàng dễ dàng bị gắn mác "hàng ngoại xách tay chính hãng nhưng thực chất là hàng giả".
Khó khăn trong kiểm soát kinh doanh trên các kênh kinh doanh online này được Tổng cục trưởng Quản lý thị trường chỉ ra, các đối tượng bán hàng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hoá tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch hàng hoá, vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hoá.
"Có những trang bán hàng online khi chúng tôi dùng nghiệp vụ kiểm tra thì lại nằm trong các khu chung cư và muốn lên được căn hộ kiểm tra phải có giấy tờ của cấp có thẩm quyền, gây trở ngại cho quá trình kiểm tra", ông nói.
Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 100% giao dịch trên mạng thường không có hoá đơn chứng từ. Việc lần ra đầu mối cung cấp hàng lậu, vì thế càng khó.
Chia sẻ điều này, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & kinh tế số cũng thừa nhận "thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi".
"Họ tìm mọi cách để lách các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử. Chẳng hạn như để tránh bị kiểm soát người bán đăng các sản phẩm với tên N.I.K.E hoặc Ni_KE thay vì để NIKE... Hoặc thậm chí có những đối tượng bán mặt hàng cấm không đưa ra hình ảnh mà đưa một cái tên rất khó phát hiện như 'Cỏ Mỹ', 'Lá cây đu đủ'...", ông Hải nói.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng, không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ lập fanpage để chạy quảng cáo. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & kinh tế số và Tổng cục trưởng Quản lý thị trường cùng thừa nhận, trình độ kỹ thuật, năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý thực thi còn yếu. Cùng đó, trang thiết bị phục vụ chưa đáp ứng được những thay đổi công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới.
"Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau là kiến thức về mảng này của anh em trong Cục là "cơm chấm cơm"", ông Hải chia sẻ, và đề cập nguyên nhân khác nữa là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn hạn chế.
Sắp tới lãnh đạo Cục Thương mại điện tử cho biết, sẽ tăng cường tiến hành rà soát các website, kiểm tra phân loạt các website, ứng dụng thương mại điện tử các nhóm mặt hàng được phẩm, mỹ phầm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tuy nhiên, để chặn nạn buôn hàng giả, hàng nhái trên kênh online, ông Trần Hữu Linh đề nghị sửa các quy định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của chủ các sàn thương mại điện tử. "Các chủ sàn thương mại điện tử là người tổ chức ra "chợ" để các chủ thể khác kinh doanh, buôn bán, nếu không có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của những ông chủ này thì rất khó quản được.
Với riêng kênh bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Youtube...), ông Linh đề nghị phải có biện pháp khẩn cấp dừng/chặn tên miền, website ngay khi phát hiện sai phạm.
Chưa hài lòng trước những biện pháp ngăn chặn của lực lượng thực thi, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh gay gắt "truy" trách nhiệm các đơn vị có liên quan khi để xảy ra gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Ông Tuấn Anh đặt câu hỏi, những đơn vị như Tổng cục quản lý thị trường, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Cục thương mại và kinh tế số... đã ở đâu khi vừa qua có một loạt phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng nhái tại một số sàn thương mại điện tử. Ông đơn cử vụ việc gần đây khi khách hàng mua điện thoại chính hãng trên Lazada nhưng lại nhận về hàng nhái. "Việc Lazada đưa ra chính sách không cho kiểm tra khi nhận hàng có vi phạm quyền lợi người tiêu dùng hay không, như vậy có phải là dung dưỡng cho hàng giả, hàng nhái hoành hành không? Vì sao cơ quan chức năng chưa xem xét, báo cáo cụ thể", ông đặt loạt câu hỏi hướng về lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường, Cục thương mại điện tử và Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng.
"Không phải tất cả hành vi nào cũng tinh vi đâu. Nhiều hành vi gian lận một cách rất manh động, rất thô nhưng vẫn lừa được các cơ quan quản lý. Vấn đề nhiều khi là do chúng ta làm chưa hết, chưa đảm bảo", ông Tuấn Anh nhận xét.
Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, thương mại điện tử đem lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng nếu không quản lý tốt, nó sẽ trở thành một mảnh đất dung dưỡng cho lừa đảo, trục lợi người tiêu dùng, phá hoạt sản xuất, phá hoại thị trường.
Do vậy, ông yêu cầu Cục Thương mại điện tử & kinh tế số phối hợp với Vụ Pháp chế, rà soát lại các quy định pháp luật liên quan thương mại điện tử, đề xuất sửa các quy định pháp luật không còn phù hợp, và có thể nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định, văn bản pháp luật mới trên cơ sở cập nhật nội dung mới, chế tài khắt khe hơn với kênh buôn bán online.
"Quy định pháp luật với thương mại điện tử tới đây phải đảm bảo vai trò quản lý gắn với truy suất giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn với các giao dịch, thanh toán...", ông lưu ý.
Liên quan tới bán hàng online trên Facebook, Youtube... ông Tuấn Anh đề nghị các đơn vị chủ động làm việc với Bộ Thông tin & truyền thông, Bộ Công an và chính doanh nghiệp, để thốnhg nhất cơ chế quản lý.