Feeney hiện sống trong căn nhà thuê ở San Francisco. Ảnh: Irishtimes.
Chuck Feeney, 85 tuổi, và người vợ Helga đang sống trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco, Mỹ. Người sáng lập tập đoàn miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers (DFS) không có ôtô hay vật dụng xa xỉ nào. Đồ phụ kiện đáng giá nhất của ông là chiếc đồng hồ trị giá 15 đôla, theo Irishtimes.
Trong căn hộ của Feeney cũng không có bất kỳ một kỷ niệm chương hay bằng khen, bức ảnh nào ghi lại cống hiến của ông dành cho xã hội, cho dù ông đã quyên góp hơn 8 tỷ đôla cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục, nghiên cứu, cộng đồng hàng chục năm qua.
"Tôi đã đến thăm nhiều ngôi nhà của các tỷ phú nhưng nhà Feeney rất khác so với những người còn lại. Nhỏ bé, tiện dụng và rất đơn giản. Bạn có thể nhầm nơi này với ký túc xá sinh viên năm nhất", Steven Bertoni, phóng viên của Forbes chia sẻ năm 2018.
Nếu nhìn bề ngoài, không ai nhận ra đây từng là CEO của một tập đoàn nổi tiếng, bởi ông sống như một người bình thường. Ông chưa bao giờ mặc đồ hiệu, đeo những chiếc kính đã cũ, đi máy bay hạng phổ thông, uống rượu trắng loại hai tại các nhà hàng...
"Tôi luôn có một suy nghĩ là phải dùng sự giàu có của mình để giúp mọi người. Tôi cố sống một cuộc sống bình thường, giống như khi tôi lớn lên. Tôi đặt mục tiêu làm việc thật chăm chỉ, nhưng không phải để làm giàu", Feeney nói trên Irishtimes.
Hành trình "sống để cho đi" của Chuck Feeney chính thức bắt đầu từ ngày 23-11-1984. Hôm đó, ông cùng người vợ đầu, Danielle và luật sư Harvey Dale bay đến quần đảo Bahamas, nơi ông có thể tránh được những quy định về mặt pháp lý ở Mỹ cho việc họ sắp sửa làm. Họ họp kín trong một căn phòng hội nghị. Vào 4 giờ chiều, Feeney bắt đầu ký một loạt tài liệu. Sau đó cả 3 người lập tức tới sân bay rời đi.
Feeney cho hay ngày hôm đó ông cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản, bởi ông đã quyên góp toàn bộ tài sản, bao gồm tiền mặt và 38,75% cổ phần sở hữu trong DFS của mình cho tổ chức do chính ông sáng lập, nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương). Quỹ là nơi ông thực hiện ước mơ cả đời của mình, đó là làm những điều có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của người khác, cho cộng đồng. Ông giao cho giáo sư luật Harley Dale, làm giám đốc điều hành mọi hoạt động từ thiện của ông.
Feeney sau đó tiếp tục quản lý doanh nghiệp, mua và bán tài sản trên khắp thế giới, vì vậy, mọi người vẫn nghĩ ông là một tỷ phú, ngay cả tạp chí Forbes. Vì mọi thứ đều được giấu kín, nên tới năm 1988, ông còn được Forbes xếp thứ 23 trong danh sách những tỷ phủ giàu nhất hành tinh.
Trong nhiều năm Feeney đã giữ bí mật về lòng nhân ái, sự hào phóng của mình. Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới được hé lộ sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.
Lúc đó người ta mới biết Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương do Feeney sáng lập đã trao tặng hàng tỷ đôla vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền... cho Mỹ, Ireland, và một lượng lớn tiền nữa cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, Australia, Nam Phi, Thái Lan và Cuba. Riêng Việt Nam, từ năm 1998 đến 2013, Atlantic đã tài trợ gần 382 triệu đôla cho các thư viện, đại học và xây dựng hệ thống y tế công cộng.
Chuck Feeney và người vợ Helga cùng nhau làm từ thiện hàng chục năm qua. Ảnh: Wall Street Journal.
Feeney từng chia sẻ ông quý trọng tiền bạc nhưng rất ghét phung phí nó. Ông mang quan điểm này để nuôi dạy, giáo dục 5 người con ngay từ khi còn bé. Ông yêu cầu con phải đi làm thêm trong kỳ nghỉ, như bán kem, phục vụ nhà hàng... và bắt các con phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm nghiêm ngặt. Ông để cho con phải tự lo các chi phí sinh hoạt để con hiểu được giá trị đồng tiền.
Con gái đầu của Feeney, Leslie Feeney Baily, từng chia sẻ trên tờ New York Times: "Ông ấy là một người lập dị nhưng ông không cho phép người khác dùng tiền để đối xử với chúng tôi không ra gì. Ông ấy giúp chúng tôi sống như những người bình thường".
Một ngày, Feeney nhận được lá thư từ Amit Chandra, một tỷ phú Ấn Độ. Chandra tâm sự rằng ông thực sự được truyền cảm hứng từ những việc làm của Feeney, vì vậy ông cũng đã dành phần lớn của cải của mình để xây dựng trường học, bệnh viện và trường đại học. Feeney cho hay ông rất vui vì triết lý "cho đi khi còn đang sống" của mình được nhiều người ủng hộ.
Hai tỷ phú hàng đầu thế giới, Bill Gates và Warren Buffett, cũng hết lời ca ngợi tinh thần và cách sống của Chuck Feeney. Họ nói Feeney chính là nguồn cảm hứng cho cả quỹ Bill & Melinda Gates Foundation lẫn quỹ Giving Pledge, nơi có tới hơn 90 người giàu nhất thế giới cam kết tặng 50% tài sản của mình để làm từ thiện.
Cho đến nay, 2 con gái của ông là Diane Feeney và Juliette Feeney cũng tiếp tục nối gót cha làm việc thiện. Họ làm chủ tịch của một số tổ chức từ thiện của gia đình và cộng đồng.
85 tuổi, Chuck Feeney gần như đã hoàn thành khát vọng giúp cho mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Quỹ Atlantic Philanthropies theo kế hoạch sẽ đóng cửa vào năm 2020, nhưng tinh thần, triết lý nhân đạo của Chuck Feeney sẽ còn truyền cảm hứng cho nhiều người trên thế giới.