Tỷ phú Li Ka-Shing. Ảnh: Billy H.C. Kwok/Bloomberg
Ngày 12-3, FBI vừa buộc tội hàng chục người - bao gồm nhiều diễn viên và giám đốc doanh nghiệp vì tham gia vào một đường dây chuyên "chạy trường" để con em các gia đình giàu có ở Mỹ được vào học tại các đại học danh giá như Yale và Stanford.
Việc bất chấp có thể phạm tội để giúp con vào có suất vào các trường đại học ưu tú của những bậc cha mẹ này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu việc học đại học có phải là điều cần thiết để đạt được thành công hay không?
Nếu đem câu hỏi này hỏi 11 người dưới đây - bao gồm các tỷ phú và ông trùm bất động sản - có thể họ sẽ nói không bởi không ai trong số họ từng học bất kỳ trường đại học nào.
Leonardo Del Vecchio
Ảnh: Luxottica.
Leonardo Del Vecchio thành lập hãng sản xuất kính mắt Luxottica vào năm 1961, khi ông 25 tuổi và chưa từng theo học bất kỳ trường đại học nào. Trong những năm qua, Tập đoàn Luxottica đã mua lại nhiều thương hiệu kính nổi tiếng như Sunglass Hut, Ray-Ban và Oakley, đồng thời, hợp tác với nhiều thương hiệu như Bulgari và Chanel.
Năm 2018, Luxottica đã sáp nhập với nhà sản xuất mắt kính Essilor của Pháp, tạo ra tập đoàn sản xuất và bán lẻ kính thời trang, kính râm, kính áp tròng, kính thuốc,... lớn nhất thế giới.
Theo tạp chí Forbes, Leonardo Del Vecchio được gửi đến một trại trẻ mồ côi vào năm 7 tuổi vì người mẹ góa của ông không đủ tiền nuôi 5 đứa con.
Ông bắt đầu học việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi và kính mắt từ năm 14 tuổi, sau đó tự mày mò học thiết kế trước khi tự mình lập công ty riêng.
Hiện vị tỷ phú 83 tuổi này sở hữu khối tài sản khoảng 19,3 tỷ USD và là người giàu thứ 50 thế giới.
Savitri Jindal
Ảnh: Mint/Getty Images.
Bà Savitri Jindal hiện là Chủ tịch của Tập đoàn Jindal. Bà là vợ góa của người sáng lập tập đoàn - ông Om Prakash Jindal. Tập đoàn này tham gia vào nhiều lĩnh vực từ thép, điện, xi măng đến xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo thống kê của Forbes, bà Savitri Jindal và 4 người con trai (đang điều hành 4 coong ty độc lập thuộc tập đoàn) hiện sở hữu khối tài sản khoảng 6,6 tỷ USD.
Michele Ferrero
Ảnh: YouTube.
Trước khi "ông trùm" sô-cô-la Ý qua đời vào năm 2015, ông đã được liệt kê trong danh sách tỷ phú của Forbes ở vị trí người giàu thứ 30 thế giới.
Sau khi mất, tài sản của ông được để lại cho gia đình; con trai của ông, Giovanni Ferrero hiện là CEO của Tập đoàn Ferrero. Theo Forbes, Giovanni Ferrero hiện sở hữu khối tài sản hơn 22 tỷ USD.
Lee Shau Kee
Ảnh: Getty/Bloomberg.
Lee Shau Kee là người sáng lập của Henderson Land Development, một tập đoàn bất động sản có trụ sở tại Hồng Kông. Theo Bloomberg, tập đoàn này trị giá khoảng 46 tỷ USD vào năm 2017.
Theo Forbes, tỷ phú Lee xuất thân trong một gia đình nghèo khó, thậm chí gia đình họ chỉ đủ khả năng để ăn thịt hoặc cá hai lần mỗi tháng. Ông cũng chưa từng theo học một trường đại học nào. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực vươn lên, tỷ phú này hiện sở hữu khối tài sản khoảng 30 tỷ USD.
Li Ka-Shing
Ảnh: Reuters.
Năm 2018, tỷ phú Li Ka-Shing đã rời vị trí điều hành của CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings. Tuy nhiên, theo thống kê của Forbes, vị tỷ phú này vẫn sở hữu khối tài sản khoảng 31,7 tỷ USD.
Tỷ phú Li Ka-Shing cũng xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Sau khi cha mất vì bệnh lao, Li Ka-Shing phải nghỉ học khi chưa đầy 16 tuổi để làm việc trong một nhà máy nhựa lấy tiền phụ giúp gia đình.
Ingvar Kamprad
Ảnh: Reuters
Nhà sáng lập quá cố của hãng nội thất toàn cầu IKEA là một tỷ phú tự thân. Ông bắt đầu tập tành kinh doanh từ khi mới 5 tuổi.
Kamprad thành lập IKEA bằng số tiền mà ông được cha thưởng vì thành tích học tập tốt ở trường tiểu học mặc dù ông bị mắc chứng khó đọc.
Ngày 27/1/2018, ông qua đời ở tuổi 91 và để lại khối tài sản hàng tỷ USD cho các con trai.
Liliane Bettencourt
Ảnh: Pascal Le Segretain/Getty
Trước khi qua đời vào năm 2017, Liliane Bettencourt được Forbes xếp hạng là người phụ nữ giàu nhất thế giới. Bettencourt là người thừa kế của đế chế mỹ phẩm L'Oreal.
Trước khi qua đời giá trị tài sản ròng ước tính của bà là khoảng 45 tỷ USD. Sau khi mất bà để lại toàn bộ tài sản thừa kế cho con gái duy nhất và con gái bà hiện cũng là người phụ nữ giàu nhất thế giới với tài sản khoảng 49 tỷ USD, theo Forbes
Karl Albrecht
Ảnh: Michael Gottschalk/AP.
Albrecht và anh trai Theodor, đã biến cửa hàng góc phố của mẹ các ông ở Essen, Đức, thành chuỗi siêu thị toàn cầu Aldi.
Tuy nhiên, cả hai đã mất vào năm 2014. Theo Forbes, Albrecht có tài sản ròng trị giá 25 tỷ USD vào 2014.
Christy Walton
Ảnh: AP.
Waltons, là con dâu của người sáng lập chuỗi siêu thị Walmart - Sam Walton. Gia đình Waltons hiện là gia đình giàu nhất thế giới. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Christy Walton khoảng 7,4 tỷ USD. Bà được thừa hưởng sự giàu sau khi chồng bà - ông John Walton - chết trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 2005.
Amancio Ortega
Ảnh: Miguel Vidal/Reuters.
Amancio Ortega là người sáng lập của Tập đoàn Inditex và hiện sở hữu khoảng 60% cổ phần của tập đoàn này. Inditex hiện quản lý 8 thương hiệu danh tiếng, trong đó có Zara, Massimo Dutti, Pull & Bear,... với 7.500 cửa hàng trên toàn thế giới.
Theo Forbes, Ortega hiện là người giàu nhất châu Âu và giàu thứ sáu thế giới với khối tài sản khoảng 66,6 tỷ USD.