Tại hội thảo "Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều - cung ít, vì sao" diễn ra ngày 15/11, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng cần đánh giá lại chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hiện nay
Chuyên gia này trích dẫn số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, từ nay đến năm 2020, khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở và để đáp ứng nhu cầu này cần phải xây dựng gần một triệu căn hộ.
Một dự án nhà giá rẻ tại Hà Nội. Ảnh: N.H
Ông dẫn chứng câu chuyện của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội chững lại cả lực cung và cầu hoặc để lại những dở dang, đứt đoạn. Chính sách nhà ở xã hội không phát triển thêm được.Ông Võ cho rằng, hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam mang tính bao cấp, trông chờ vào Ngân hàng Chính sách xã hội - vốn là một ngân hàng Nhà nước nên chưa phát huy được hiệu quả.
Hơn nữa, theo ông Nhà nước sẽ không đủ lực để làm điều đó. Kể cả những dự án nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ, hiện Việt Nam chưa huy động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước để phát triển. Hệ quả đã nhìn thấy là nhiều dự án đang bị hụt hơi từ gói tín dụng ưu đãi. Chủ đầu tư không thể đi vay tín dụng với lãi suất lớn để thực hiện khi biết chắc không có lợi nhuận.
Theo chuyên gia này, nhà xã hội và nhà thương mại giá rẻ có thể tìm được vốn tín dụng ưu đãi từ nhiều nguồn khác nhau. "Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á...", ông kiến nghị.
Ông cũng cho rằng cần hình thành quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức xã hội, cá nhân... đóng góp. Những người có thu nhập thấp cũng phải góp tiền vào quỹ này tới mức nhất định mới được mua nhà giá rẻ.
Đồng tình, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng thừa nhận nguồn vốn là nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội tiến triển chậm, nhiều khó khăn, ách tắc. Đơn vị này cũng đề xuất sử dụng vốn viện trợ, vốn ODA của nước ngoài. Theo Hiệp hội, một số tổ chức nước ngoài có thể hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn cho các địa phương để phát triển nhà ở xã hội nhưng cần có sự bảo lãnh.
"Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế bảo lãnh các nguồn vay ODA để phát triển nhà ở xã hội tại các tỉnh, thành", đơn vị này đề xuất. HoREA cũng kiến nghị về lâu dài thì nên thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội ở mức 3-3,5% mỗi năm.
Trong khi đó, đại diện của Tập đoàn Mường Thanh cho rằng, hiện không có quy định cụ thể và đặc biệt từ nguồn ngân sách để cấp vốn cho phát triển nhà ở xã hội nên nguồn vốn này không ổn định. Theo doanh nghiệp, Nhà nước nên có phương án trích GDP cho việc phát triển nhà ở, tương tự như quy định dành cho nguồn nghiên cứu khoa học hay những hoạt động khác.
Bên cạnh đó, đại diện Mường Thanh cho rằng, kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc... cho thấy, Nhà nước hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ từ 1 đến 4% lãi suất vay mua nhà trong vòng 10-20 năm lấy từ các quỹ tiết kiệm nhà ở. Và Việt Nam cũng nên cân nhắc việc áp dụng những chính sách này.