Tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV đang xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (Dự án Luật). Trong đó có đề xuất các địa phương thực hiện song song 2 hệ thống quy hoạch, gồm: Quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước; Quy hoạch xây dựng tỉnh, là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn.
Không quy hoạch kiểu “dẫm chân lên nhau”
Theo PGS, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, xây dựng Dự án Luật này phải đặt quy hoạch trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Thị trường là thế nào và quy hoạch trong kinh tế thị trường phải như thế nào? Quan hệ giữa nhà nước và thị trường là như thế nào? Nhà nước không can thiệp vào thị trường những nội dung gì, và cái gì phải can thiệp. Ví dụ như quy hoạch vật thể, mang tính kỹ thuật làm cơ sở để đầu tư xây dựng thì cần phải can thiệp. Quan điểm rõ thì mới sửa theo quan điểm, những nội dung không hợp với quan điểm thì cần phải xác định và loại bỏ.
Đối với việc quản lý đầu tư xây dựng các đô thị, các khu chức năng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình đầu mối, theo ông Liêm, phải có quy hoạch xây dựng. Xây dựng không phải chỉ là công trình, xây dựng phải hiểu là hạ tầng, là liên kết, là sử dụng đất đai hiệu quả, là các vấn đề bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
Sân golf (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)
“Vẽ ra để nếu khi có nhu cầu muốn xây thì phải theo các vị trí quy hoạch xây dựng đã định mới đáp ứng được, vì ngoài sân golf nó còn hạ tầng giao thông, cấp nước, năng lượng, môi trường… còn đủ các thứ chứ không chỉ là 1 công trình sân golf”- ông Liêm lưu ý.Lấy ví dụ về quy hoạch sân golf, ông Liêm cho rằng, không thể nói đơn giản là do thị trường quyết định nên bỏ quy hoạch sân golf.
Vì rằng, sân golf là một khu chức năng sử dụng rất lớn tài nguyên đất. Quy hoạch xây dựng hoạch định ra vị trí, quy mô hoặc khu vực phù hợp cho các khu chức năng (trong đó có thể có golf). Nhưng vẽ ra không có nghĩa là phải thực hiện ngay ở đấy.
Từ quan điểm phân tích nêu trên, ông Liêm nhấn mạnh: Đừng hiểu quy hoạch xây dựng quá hẹp và chỉ là quy hoạch của ngành. Ví dụ quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm nghiệp… thì nếu mà thị trường cần, người dân họ sẽ trồng, không cần quy hoạch.
Nhưng để trồng và khai thác hiệu quả thì phải có quy hoạch hệ thống đường xá, hạ tầng, tiêu thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, các xí nghiệp công nghiệp để chế biến sản phẩm…. Đó là nhiệm vụ của quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng là để phục vụ công nghiệp, phục vụ nông nghiệp và các ngành khác.
PGS, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. |
PGS, TS Phạm Sỹ Liêm đề xuất: Quy hoạch tỉnh nên làm theo hướng tổng thể, tích hợp đa ngành và để làm sao các ngành không có các định hướng chồng lấn, dẫm chân lên nhau vì mục tiêu chung. Còn lại đầu tư xây dựng cụ thể như thế nào, ở đâu, quy mô ra sao, hình dáng ra sao, kết nối với nhau như thế nào là nhiệm vụ của quy hoạch xây dựng tỉnh.
Nên duy trì quy hoạch xây dựng tỉnh
Theo ông Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), tư tưởng chủ đạo của Luật Quy hoạch là tích hợp các quy hoạch rời rạc thành quy hoạch thống nhất, mang tính định hướng chung, thống nhất để tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Cường, bên cạnh quy hoạch chung vẫn phải có quy hoạch ngành và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch quy định.
Quan điểm của ông Cường là, tuy tách riêng ra từng lớp thông tin thành các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhưng yêu cầu về tích hợp thì phải đảm bảo khi chồng các lớp thông tin này lên nhau thì các phương án quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành không được phép trái với quy hoạch chung. Tất cả phải trùng khớp với nhau và không được sai lệch, không được mâu thuẫn.
Đó cũng là lý do mà chúng ta thấy không thể có một quy hoạch chung mà vẫn phải có các quy hoạch ngành và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nhưng đồng thời phải đảm bảo tính tích hợp thống nhất như Luật Quy hoạch quy định.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch phải có yếu tố không gian, phải đặt vào mặt đất chứ không phải chỉ ngồi nói chỉ số này, chỉ số kia. |
Theo phân tích của ông Cường, về mặt lý thuyết, có thể gộp tất cả các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào nội dung quy hoạch chung. Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng này cũng là một dạng của quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và có những biểu diễn riêng về mặt đặc tính kỹ thuật. Do vậy, nên để quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch chính là một công cụ để nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về định hướng phát triển một lĩnh vực nào đó. Vậy quy hoạch xây dựng tỉnh chính là công cụ để nhà nước thực hiện chức năng quản lý hoạt động xây dựng quy hoạch trên không gian tỉnh để đảm bảo chi tiết hóa không gian phát triển kinh tế - xã hội của lãnh thổ. Chính vì vậy, tôi đồng tình với đề xuất của dự thảo đề án cũng như Tờ trình của Chính phủ nên duy trì quy hoạch xây dựng tỉnh riêng như là một dạng quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cho rằng, phải có một số quy hoạch chuyên ngành cần như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch tích hợp của các lĩnh vực vào quy hoạch tỉnh. Quy hoạch phải có yếu tố không gian, phải đặt vào mặt đất chứ không phải chỉ ngồi nói chỉ số này, chỉ số kia - đấy mới chỉ là chiến lược chứ không phải là quy hoạch.
Đã quy hoạch thì phải gắn với không gian. Cho nên, nếu bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh để thu xếp quy hoạch chung của cả tỉnh, theo ông Võ, chắc chắn triển khai là rất khó. Bởi vì khi triển khai quy hoạch thì phải gắn với lĩnh vực của từng ngành.