Các chuyên gia và cơ quan chức năng về quy hoạch kiến trúc thành phố sẽ mất khoảng hai năm để hoàn chỉnh chi tiết quy hoạch xây dựng không gian ngầm của thành phố và đây là một phần bổ sung quan trọng vào đề án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.
Cần phải nhắc lại quy hoạch xây dựng TP HCM được phê duyệt năm 2010 chưa đề cập đến hai nội dung quan trọng như quy hoạch xây dựng không gian ngầm và giải pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, thời điểm này cần phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung TP HCM để giải quyết nhiều vấn đề bức xúc hiện nay như kẹt xe, ngập nước, cấu trúc và mô hình phát triển đô thị, biến đổi khí hậu …
Ông Nhã cũng thừa nhận các quy hoạch trước đây có nhiều điểm chưa sát với dự báo và tầm nhìn phù hợp.
Trong đó, quy hoạch không gian xây dựng ngầm của thành phố thời gian gần đây được Chính phủ, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, áp dụng vào phát triển không gian ngầm tại thành phố cũng còn khá mới.
"Khai thác không gian ngầm chính là một phần quan trọng trong quy hoạch chung phát triển TP HCM nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác như đi bộ, thương mại", ông Nhã nói trong cuộc trao đổi với phóng viên vào cuối tuần qua, khi cơ quan này đang lấy ý kiến các nhà khoa học về điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung TP HCM trong giai đoạn tới.
Khu trung tâm TP HCM đang phát triển mạnh với nhiều công trình cao tầng - Ảnh: Văn Nam
Trên thực tế, gần đây đã có một số công trình nhà cao tầng khu vực trung tâm thành phố tận dụng không gian ngầm dưới lòng đất để phát triển không gian cho dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí. TP HCM cũng đang xây dựng một số tuyến xe điện (metro) trong đó có nhiều đoạn đi ngầm dười lòng đất. Tuy nhiên, việc tận dụng các không gian ngầm nói trên vẫn mang tính chất riêng lẻ, chưa tính đến các yếu tố kết nối hài hòa về tổng thể các chức năng, không gian ngầm trên một diện tích rộng mà việc bổ sung quy hoạch không xây dựng ngầm được tính toán một cách bài bản là điều cần thiết trong lúc này.
Bên cạnh việc tính toán khai thác không gian ngầm, nhiều nhà khoa học cũng cảnh báo TP HCM đang đứng trước thách thức về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, sụt lún đất … kết hợp với tác động của tình trạng biến đổi khí hậu như nước biển dâng, mưa thất thường, xâm nhập mặn khiến cho các vấn đề như ngập úng, ô nhiễm ngày càng phức tạp.
Theo kịch bản về biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố (cập nhật năm 2016), trong trường hợp mực nước biển dâng thêm 100 cm và không có giải pháp ứng phó, khoảng 17,8% diện tích của TP HCM sẽ bị ngập. Chưa kể phát triển các công trình hạ tầng cũng đang khiến nền đất thành phố sụt lún ngày càng nhanh.
Với sức ép của một đô thị đang có dân số trên 13 triệu dân như hiện nay, khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển thì TP HCM tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề khó giải quyết, trong đó quỹ đất nội thành ngày càng cạn kiệt, ùn tắc giao thông đặc biệt là các khu vực cửa ngõ thành phố ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, các nhà khoa học cho rằng thành phố cần có giải pháp căn cơ về phát triển hạ tầng giao thông, cải tạo đô thị phù hợp, tránh tình trạng dân cư và phương tiện giao thông phát triển tràn lan, phân tán.