Trong đó, dịch vụ kinh doanh bất động sản chiếm tỷ lệ nhiều nhất (46,6%). Tuy nhiên, dòng vốn chủ yếu rót vào phân khúc chung cư và văn phòng cho thuê, các phân khúc còn lại bị bỏ ngỏ.
Khẩu vị bó hẹp
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, diễn biến dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh về số lượng và vốn đầu tư. Trong đó, hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ.
"Hai năm trở lại đây, hàng loạt chủ đầu tư như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land... đã nhập cuộc. Đặc biệt, chỉ trong những tháng đầu năm 2018, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ bộ vào thị trường bất động sản khiến lĩnh vực này đứng đầu trong các ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM", ông Anh nói.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu chảy vào phân khúc chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê. Ảnh: Gia Huy
Ngày 20-4 vừa qua, hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad đã rót 7.676 tỷ đồng vào Công ty cổ phần đầu tư Nam Long theo tỷ lệ 50% - 50% để thực hiện Dự án Khu đô thị Akari City.
Dự án Khu đô thị Akari City toạ lạc tại quận Bình Tân, TP HCM, được xây dựng trên khu đất rộng 8,5ha với 4.600 căn hộ, tổng diện tích sàn lên tới 539.000 m2. Các cụm căn hộ tại đây được phát triển theo tiêu chuẩn dòng sản phẩm Flora của Nam Long với các tiện ích biệt lập khép kín như câu lạc bộ cộng đồng, hồ bơi, sân chơi trẻ em, khu thể dục thể thao…
Với thương vụ này, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào thị trường bất động sản trong vài năm gần đây. Một năm trở lại đây, các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản như Creed Group, Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group... đã tăng mạnh dòng vốn vào bất động sản ở TP HCM.
Ngày 16-4 vừa qua, UBND TP HCM và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã có cam kết về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng 2A (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm). Theo đó, UBND TP HCM yêu cầu phía Lotte khẩn trương hoàn thành và nộp đồ án trong tháng 4-2018.
Thành phố sẽ hỗ trợ giải quyết các thủ tục cần thiết để nhà đầu tư có thể khởi công dự án vào ngày 2-9-2018. Dự án nói trên có tổng diện tích 7,45 ha, tổng chi phí thực hiện 20.100 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Nguồn vốn do nhà đầu tư thu xếp, thời gian xây dựng công trình dự kiến 72 tháng và khai thác trong thời gian 50 năm…
Cần có chính sách hướng dòng vốn ngoại vào các dự án BT. Ảnh: Lê Toàn
Theo giới phân tích thị trường, hiện nay, dù dòng vốn đầu tư nước ngoài tìm đến thị trường bất động sản rất lớn, nhưng chủ yếu đổ vào các phân khúc chung cư, văn phòng cho thuê. Các phân khúc còn lại như nhà ở xã hội, đất nền, bất động sản công nghiệp… lại vắng bóng dòng vốn ngoại tham gia.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, từ nhiều năm nay, dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản TP HCM đã định hình ở các phân khúc như chung cư cao cấp, hay dịch vụ văn phòng cho thuê. Ở phân khúc này có lợi thế đó là doanh nghiệp ngoại dễ rót vốn bằng việc bắt tay doanh nghiệp Việt, hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp Việt có quỹ đất để phát triển bất động sản hoặc mua dự án "chết" từ các chủ đầu tư hết tiền để tiếp tục phát triển dự án.
"Việc các doanh nghiệp ngoại chủ yếu rót tiền vào phân khúc chung cư cao cấp và trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, bởi các dự án này dòng vốn thu về nhanh, lại đảm bảo lợi nhuận cũng như biên độ tăng trưởng và độ rủi ro cho nhà đầu tư ngoại thấp", ông Châu nói.
Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản đang rót vốn vào thị trường bất động sản TP HCM cho biết, tháng 3 vừa qua, TP HCM kêu gọi doanh nghiệp này đầu tư vào dự án di dời, chỉnh trang kênh rạch tại TP HCM theo hình thức BT. Tuy nhiên, sau khi khảo , doanh nghiệp ông và các nhà đầu tư ngoại khác đều lắc đầu vì thương vụ này "quá chát".
"Bỏ vốn lớn ra thực hiện dự án, cái khó nhất với doanh nghiệp đó là ở TP HCM, việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, không thể giải phóng số lượng lớn người dân trong thời gian ngắn, vốn bỏ ra cũng rất lâu thu hồi… tất cả đều khó cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, với số tiền đó, doanh nghiệp ngoại chỉ cần bỏ tiền ra mua quỹ đất, hoặc rót vốn vào doanh nghiệp thiếu vốn nhưng có dự án để tái khởi động dự án là có lời", vị lãnh đạo doanh nghiệp Nhật cho biết.
Cũng theo giới phân tích, dòng vốn ngoại "vắng" ở các phân khúc chủ đạo như nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, đất nền, phân khúc bất động sản công nghiệp… lý do là vì lợi nhuận thấp, độ rủi ro cao và hiện nay dòng vốn vay cho người dân mua nhà ở các phân khúc này đang rất thiếu. Nếu có chính sách tốt, ắt sẽ hút được doanh nghiệp ngoại rót vốn vào các phân khúc này.
Cần định hình lại khẩu vị rót vốn của khối ngoại
Chính vì những lý do trên mà giới quan sát thị trường cho rằng, TP HCM phải có những chính sách định hình lại xu hướng rót vốn của các doanh nghiệp ngoại để dòng vốn không chỉ bó hẹp ở phân khúc chung cư cao cấp và trung tâm thương mại.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại trong vài năm trở lại đây đã đem tới cho thị trường bất động sản nhiều lợi thế như chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở phân khúc chung cư cao cấp, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê. Điều này giúp tăng tính cạnh tranh, cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm, do vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc chỉ bó hẹp ở hai phân khúc trên là điều thiệt thòi cho thị trường bất động sản TP HCM. Bởi nếu có dòng vốn ngoại rót đều các phân khúc đang yếu thế trên thị trường thì sẽ tạo ra bộ mặt đồng đều hơn, làm giảm đi hiện tượng lệch pha giữa các phân khúc.
Để làm được điều này, TP HCM cần có chính sách cụ thể trong việc ưu đãi doanh nghiệp ngoại rót vốn vào các phân khúc trên như hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thuế, quỹ đất… để doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận ít nhưng đổi lại sẽ tạo ra dòng sản phẩm tốt, mang thương hiệu của mình tại Việt Nam.
"Chẳng hạn, chính quyền Thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp ngoại bắt tay liên kết với các nhà đầu tư có quỹ đất nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, đất nền hay bất động sản công nghiệp… để hai bên cùng phát triển thị trường, như vậy sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản nhỏ. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung phát triển bất động sản", ông Khương nói.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì cho rằng, ngoài tiềm lực tài chính, việc nhà đầu tư nước ngoài có những ưu thế về kinh nghiệm thị trường, đặc biệt liên quan đến chuẩn mực bất động sản, sẽ góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Ánh, thị trường bất động sản gắn với đất đai, các vấn đề xã hội, nên việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường bất động sản phải kèm theo các biện pháp liên quan đến hành chính, kinh tế để giảm thiểu các yếu tố rủi ro, bất lợi cho nhà đầu tư ngoại, từ đó hướng nhà đầu tư ngoại rót vốn nhiều hơn vào các dự án xã hội. Đồng thời, cần có chính sách tạo cho doanh nghiệp ngoại biên độ lợi nhuận cũng như sức hút với các phân khúc đang yếu thế tại thị trường bất động sản TP HCM hiện nay.