Dòng vốn Châu Á chảy mạnh
Theo số liệu thống kê từ Real Capital Analytics (RCA), từ đầu 2018 đến nay, hoạt động đầu tư xuyên biên giới ở các nước châu Á Thái Bình Dương đang đạt mức đỉnh cao nhất trong 10 năm.
Theo đơn vị này, từ thời điểm năm 2007 đến nay, giới đầu tư vẫn chưa thực sự có bước đột phá trên thị trường quốc tế, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư xuyên biên giới đã thay đổi kể từ những tháng đỉnh điểm vừa qua.
"Nếu như trước đây, dòng vốn đầu tư được hỗ trợ chủ yếu từ thị trường Úc và Singapore thì hiện nay, dòng vốn còn được đẩy mạnh bởi các nhà đầu tư Singapore, Trung Quốc và Hong Kong," Petra Blazkova, Giám đốc cấp cao, cung cấp phân tích cho khu vực APAC tại RCA nhận xét.
Trung Quốc là quốc gia có nhóm người mua lớn nhất trong vòng 12 tháng qua bất chấp những hạn chế siết chặt dòng vốn của Bắc Kinh. Hệ quả của quy định trên là việc Hong Kong, dù đã nhắm mục tiêu vào Trung Quốc từ trước nhưng cuối cùng lại dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Singapore và Nhật Bản.
Singapore chính là quốc gia hội tụ những nhà tài phiệt, giới đầu tư xuyên biên giới tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và điểm thu hút ở quốc gia này là khả năng cải thiện hiệu suất bền vững theo thời gian. Cụ thể trong 12 tháng qua, giới đầu tư Singapore đã tăng cường rót vốn vào thị trường Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong số các TP lớn, Tokyo đứng đầu với cương vị là đô thị hoạt động tích cực nhất trong quý đầu tiên. Bên cạnh đó, Hong Kong cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc nhất, khi việc hoàn tất thỏa thuận bán 2.95 tỉ USD cho các trung tâm mua sắm thông qua Quỹ tín thác bất động sản (REIT) đã thúc đẩy mạnh các giao dịch bán lẻ của thành phố.
Các thương vụ M&A diễn ra liên tiếp trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, Thượng Hải cũng ghi nhận khối lượng đầu tư bất động sản thương mại cao thứ ba ở châu Á Thái Bình Dương, sau Hong Kong và Tokyo. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ vào các giao dịch văn phòng và khách sạn.
Sôi động các thương vụ M&A trong nước
Trong khi đó tại Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2018 cũng ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế 7.08% so với cùng kì, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.
Lĩnh vực bất động sản tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư nước ngoài, đứng đầu góp phần vào lượng vốn đăng kí cao kỉ lục với 4,971 tỉ USD, trong đó chủ yếu thuộc về dự án TP thông minh tại Hà Nội. Dự án này bao gồm 271.82 ha với khoản đầu tư hợp tác liên doanh giữa bốn nhà đầu tư trong nước và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Giai đoạn đầu dự kiến sẽ triển khai vào quý ba năm nay. Sau khi hoàn thành, thành phố thông minh được mong đợi sẽ là một trong những thành phố thông minh tiên tiến nhất ở Đông Nam Á với hệ thống giao thông hiện đại.
Thị trường bất động sản tại TP HCM cũng ghi nhận sự quan tâm liên tục từ các nhà đầu tư lớn trong quý vừa qua.
Cụ thể, vào tháng 4-2018 Frasers Property đã tham gia thỏa thuận mua cổ phần có điều kiện để sở hữu 75% vốn cổ phần của bất động sản Phú An Khang, đơn vị sở hữu phát triển dự án phức hợp tọa lạc tại quận 2 với giá trị khoảng 18 triệu USD.
Phân khúc nhà ở vẫn tiếp tục thu hút giới đầu tư trong nước. Cụ thể, Tập đoàn Xuân Mai đã mua lại thành công Eco-Green Saigon - dự án rộng 14 ha tọa lạc tại quận 7, TP HCM. Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản – Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad để phát triển Akari City - dự án khu dân cư 8.8 ha tại quận Bình Tân, TP HCM. Bên cạnh đó, Nam Long cũng khởi công dự án trọng điểm – Waterpoint Township tại tỉnh Long An vào tháng sáu tới. Rộng 355 ha, Waterpoint bao gồm nhà phố, biệt thự, căn hộ cao tầng, bệnh viện, tiện ích cơ sở giáo dục và thể thao.
Quý 2-2018 cũng ghi nhận thương vụ IPO đáng chú ý của Vinhomes JSC, đơn vị phát triển bất động sản nhà ở của Tập đoàn Vingroup, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có GIC – Quỹ đầu tư đã mua lại 5.74% cổ phần của Vinhomes.
Bên cạnh triển vọng tích cực đối với phân khúc nhà ở, Savills kỳ vọng rằng hoạt động M&A sẽ tiếp tục diễn ra sôi động ở mảng bất động sản công nghiệp và văn phòng. Ngành công nghiệp được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI ngày càng tăng đổ vào lĩnh vực sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và triển vọng cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.