Sau một thời gian ăn nên làm ra, hàng loạt homestay tại khắp các điểm du lịch nổi tiếng hiện đang rơi vào cảnh ế ẩm, thậm chí... miễn phí để kéo khách nhưng cũng không hiệu quả, dù lượng du khách đến các điểm du lịch này tăng mạnh…
Cùng với sự bùng nổ du khách tại các điểm đến du lịch, phong trào nhà nhà, người người đua nhau đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay khiến nguồn cung của loại hình này tăng mạnh. Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp phép cho hoạt động kinh doanh homestay một cách dễ dãi, không theo chuẩn mực nên phần lớn homestay thực chất là nhà nghỉ du lịch, cạnh tranh bằng mọi giá để kéo khách. Thực tế này đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, kinh doanh homestay vào ngõ cụt, ngày càng vắng khách.
Khi đến Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào đầu tháng 5-2019, anh Bình, một du khách ở Hà Nội, còn tỏ ra nghi ngờ về chất lượng phục vụ khi nhìn thấy mức giá công bố chỉ... 1 USD/người/ngày đêm. Ông Nguyễn Huy Toàn, chủ một homestay ở Phong Nha với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng, cho biết những ngày này mùa cao điểm nên còn có khách, chứ cả năm nay khách vắng teo.
Còn tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình), nơi có khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, nhiều homestay cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm tương tự sau một thời gian nhà nhà đua nhau làm homestay. Anh Ngọc (chủ một homestay ở xã Ninh Hải) cho biết đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để đầu tư làm homestay nhưng hơn 9 tháng qua chỉ thu được khoảng... 100 triệu đồng.
Loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. (Ảnh tư liệu)
Theo đại diện UBND xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), chỉ riêng trên địa bàn xã này hiện có trên 70 cơ sở homestay và 12 khách sạn, dù nhiều thông tin cho biết con số thực tế còn cao hơn nhiều. Chủ nhân một homestay tại thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) cho biết chỉ một xóm nhỏ của anh cũng đã có khoảng chục homestay, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh phá giá để kéo khách. Đáng chú ý, khoảng 80-90% các homestay trong xã đều xây dựng bằng tiền vay vốn ngân hàng nên nguy cơ đổ nợ rất lớn.
Một địa điểm nổi tiếng với hoạt động du lịch homestay là ở TP Hội An. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin TP Hội An, giai đoạn 2016 - 2018, Hội An chỉ có 151 homestay với 517 phòng. Tuy nhiên tính đến hết tháng 6-2019, TP có 315 homestay với 1.259 phòng. Chưa kể 138 homestay đã được đồng ý về mặt chủ trương xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP Hội An cho hay, trước đây TP coi homestay là sản phẩm du lịch cộng đồng chứ không phải là loại hình dịch vụ lưu trú. Các điều kiện để mở homestay rất chặt chẽ, như diện tích đất tối thiểu là 200m2, nhà không quá 5 phòng ngủ…
Hệ lụy đầu tiên như lời ông Lanh nói, là "dài cổ chờ khách". Anh Phạm Ngọc Trung cho biết: homestay của nhà anh có 4 phòng, suốt 2 năm qua công suất phòng chỉ khoảng 40%. Mùa cao điểm du lịch, thỉnh thoảng được 70%.
"Quanh đây chỗ nào cũng vậy thôi. Mở ra nhiều quá, trong khi khách bão hòa rồi. Ngoài việc cạnh tranh homestay với nhau, chúng tôi còn phải cạnh tranh với hotel, nhà nghỉ, khách sạn bình dân... Ở ngoài nhìn thì muốn đổ xô vào làm, nhưng làm rồi mới biết để duy trì được khốc liệt lắm", anh thật tình.
Còn tại Đà Nẵng, phần lớn các homestay nằm ở quận Sơn Trà, Hải Châu, gần với các địa điểm du lịch nổi tiếng của TP. Nhưng trên các trang sang nhượng bất động sản của Đà Nẵng, tin sang nhượng homestay được đăng liên tục. Phần lớn là thuê lại nhà nguyên căn rồi bỏ tiền đầu tư nội thất, trang thiết bị để làm homestay. Mức giá sang nhượng khoảng từ 150 – 200 triệu đồng, chưa tính tiền thuê nhà. Chị T, chủ một homestay ở quận Sơn Trà sau khi chuyển đổi từ dịch vụ homestay sang dịch vụ cho thuê dài hạn cũng phải sang nhượng lại vì quá ế ẩm. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong hai năm 2018 và 2019, công suất buồng phòng bình quân chỉ đạt khoảng 35-40%.
Ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, cho rằng dịch vụ homestay với đặc thù vừa là sản phẩm du lịch vừa là cơ sở lưu trú, khách được sống cùng người dân địa phương để trải nghiệm văn hóa, nếp sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa nên chỉ tập trung chủ yếu ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc, ĐBSCL, khu phố cổ Hội An, một số nơi ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các cơ sở lưu trú du lịch thực chất là các nhà nghỉ du lịch nhưng lại được đăng ký và treo biển là homestay.
Theo ông Thanh, Tổng cục Du lịch chưa có điều tra đánh giá cụ thể về tình trạng hoạt động của loại hình dịch vụ du lịch homestay để đưa ra khuyến cáo với người dân. Tùy tình hình từng nơi mà các cơ quan quản lý ở địa phương có thể đưa ra cảnh báo, nhưng Tổng cục Du lịch cũng có trách nhiệm cung cấp nhiều thông tin để hỗ trợ người dân đưa ra đánh giá, quyết định đầu tư kinh doanh du lịch. Cũng theo ông Thanh, Tổng cục Du lịch đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay (lần hai) vào năm 2017.
Các địa phương cần tìm hiểu và phải có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân về điều này. "Người dân có quyền tự do kinh doanh, nhưng khi đầu tư phải đánh giá thị trường để tránh đầu tư ồ ạt vào một loại hình kinh doanh nào đó dẫn tới thua lỗ", ông Thanh cho biết.