Nợ gốc giảm, nợ vay vẫn tăng
Theo khảo sát của chúng tôi, từ đầu năm 2019 đến nay, các ngân hàng tại TP.HCM điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà ở mức khá cao, có nơi lên đến 12 - 12,5%/năm nếu khách hàng vay trung hoặc dài hạn. So với vài tháng trước, lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2 - 2,5%/năm.
Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên Ngân hàng BIDV cho biết, nếu khách hàng vay cố định trong 12 tháng, lãi suất khoảng 7,8%/năm; còn vay cố định 24 tháng, lãi suất là 8,8%/năm. Sau thời gian này, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ khoảng 3,5%/năm (tính ra khoảng gần 11%/năm).
Thậm chí, để hạn chế người dân vay tiền đầu cơ nhà đất, một số ngân hàng còn quy định, khách hàng vay càng nhiều, lãi suất càng cao. Chẳng hạn, tại TPBank, nếu khách hàng vay dưới 2 tỷ đồng, lãi suất là 12%/năm; nếu vay trên 2 tỷ đồng, lãi suất sẽ cao hơn mức này, tùy số tiền vay.
Dự kiến trong thời gian tới, khách hàng sẽ chịu nhiều áp lực hơn do lãi suất ngân hàng tăng cao
Tương tự, khoảng giữa năm 2016 chị Thanh Huyền (Q.6, TP.HCM) vay ngân hàng gần 600 triệu đồng với thời hạn 20 năm, lãi suất 9,5%/năm. Trong hai năm đầu, mỗi tháng, chị trả tiền gốc và lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng nhưng liên tục hai tháng đầu năm nay, mỗi tháng, chị phải trả gần 7 triệu đồng, dù nợ gốc chỉ còn khoảng 450 triệu đồng.
Nguyên nhân là, từ tháng 1/2019, ngân hàng áp dụng lãi suất mới, lên đến 11,3%/năm.Việc điều chỉnh tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong hơn hai tháng qua khiến người vay bắt đầu mệt mỏi. Theo chị Ngọc Hà (Q.Tân Phú, TP.HCM), cách nay hai năm, chị vay ngân hàng khoảng 800 triệu đồng trong thời hạn 15 năm để mua một căn hộ.
Ban đầu, số tiền giải ngân còn thấp và lãi suất ưu đãi chỉ 9%/năm nên việc trả nợ đối với chị là vừa sức. Nhưng từ đầu năm 2019, lãi suất bất ngờ tăng gần 12%/năm nên mỗi tháng, chị phải trả gần 12 triệu đồng. Chị Hà đang lo, nếu lãi suất cho vay tiếp tục tăng, chị sẽ phải bán căn hộ để trả nợ.
Người vay phải “liệu cơm gắp mắm”
Một nhân viên của TPBank cho biết, hiện ngân hàng không chỉ tăng lãi suất mà còn hạn chế cho vay đầu tư BĐS; quy trình làm thủ tục cho vay để đầu tư BĐS được kiểm soát chặt chẽ hơn trước.
Theo ghi nhận của chúng tôi, để cho vay BĐS, một số ngân hàng cử nhân viên tín dụng đến gặp trực tiếp khách hàng làm hồ sơ rồi đưa về ngân hàng, nhưng cũng có ngân hàng quy định, phải có thêm trưởng nhóm tín dụng duyệt hồ sơ vòng đầu đến gặp khách hàng. Việc làm này nhằm tránh tình trạng nhân viên tín dụng chạy theo doanh số, xét cho vay đại trà.
Theo lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở tại Q.3 (TP.HCM), đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phân bổ chỉ tiêu tín dụng nên ngân hàng chưa hạn chế khách vay mua, xây, sửa nhà. Tuy nhiên, hiện vốn đầu vào của ngân hàng đã tăng khá cao, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã ở mức 7 - 8%/năm. Nếu cộng thêm các chi phí liên quan, mức lợi nhuận chỉ còn khoảng 2%, quá thấp. Trong khi theo quy định, nguồn vốn để cho vay trung và dài hạn ngày càng bị siết, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay để bù chênh lệch lãi suất huy động.
Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thắt chặt dòng vốn vào BĐS, còn vốn vay cho các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh thì lãi suất cho vay thấp hơn nên lãi suất huy động của các ngân hàng đã được điều chỉnh tăng lên. Hiện lãi suất cho vay trên dưới 10%/năm áp dụng cho người mua nhà thời hạn 10 - 15 năm và lãi suất huy động dài hạn 7 - 8%/năm là phù hợp.
Ông Bùi Quang Tín - chuyên gia ngân hàng - khuyến cáo, hiện nay, lãi suất cho vay có thể tiếp tục tăng, nên người vay mua nhà cần cân nhắc trước khi vay. Đặc biệt, người làm công ăn lương nên “liệu cơm gắp mắm” để đảm bảo khả năng trả nợ.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lộ trình siết tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS bắt đầu từ năm 2019 với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%; tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%. Những năm tiếp theo, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm còn 35% vào năm 2020 và 30% ở năm kế tiếp, đồng thời nâng hệ số rủi ro của ngành này lên
250 - 300%.
Ba vấn đề lưu ý khi vay tiền mua nhà
Thứ nhất, khi vay tiền mua nhà, chỉ nên vay tối đa 50% giá trị ngôi nhà và số tiền phải trả hằng tháng không được vượt quá 50% tổng thu nhập của vợ và chồng. Đây là mức vay an toàn để người vay không rơi vào "bẫy" lãi suất, vẫn còn dư cho sinh hoạt trong gia đình.
Thứ hai, khách hàng cần cân nhắc kỹ thời hạn của gói vay; tốt nhất, nên chọn thời gian vay dài nhất được phép để giảm số vốn gốc hằng tháng xuống thấp nhất.
Thứ ba, về lãi suất, khách hàng nên yêu cầu nhân viên ngân hàng tư vấn rõ chi phí qua các năm, bằng cách kê sẵn bản tính tiền trả gốc và lãi vay hằng tháng. Đặc trưng lãi suất ngân hàng tại Việt Nam là cứ sau sáu tháng sẽ thay đổi một lần; do đó, để tránh việc thả nổi lãi suất, người vay phải tiên lượng được tình huống lãi suất tăng, để sau khi trừ các khoản chi tiêu hằng tháng trong gia đình, số tiền còn lại vẫn đảm bảo đủ để trả ngân hàng.
Phan Công Chánh, Chuyên gia bất động sản