"Sốt" đất chưa khi nào dừng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân tiến hành chuyển nhượng đất đai, BĐS không đúng quy định, gây ra hiện tượng "sốt" đất, nhằm bình ổn thị trường, đến nay, nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Kom Tum... đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị chuyên môn tại địa bàn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về những chiêu trò "thổi" giá đất của giới đầu cơ, "cò" đất không chuyên nghiệp nhằm trục lợi cá nhân.
Suốt 30 năm qua "sốt" đất chưa bao giờ trở thành câu chuyện đã cũ. (Ảnh: Doãn Thành).
Tương tự, tỉnh Lâm Đồng cũng xảy ra "sốt" đất ở các huyện: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, TP Đà Lạt. Số liệu báo cáo từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn tăng đột biến, toàn tỉnh có 12.467 lô đất nền giao dịch thành công, với tổng số tiền thu về hơn 11.911 tỷ đồng.
Hay như tại tỉnh Quảng Bình, khi xuất hiện thông tin tỉnh sẽ triển khai dự án tuyến đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, qua địa bàn huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, giá đất gần với dự án cũng tăng từ 2 - 3 lần, tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... Như vậy, có thể thấy bất chấp những biện pháp can thiệp từ chính quyền địa phương, "sốt" đất vẫn xảy ra.
Cần áp dụng biện pháp đánh thuế
Xoay quanh đến vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, thời gian qua chúng ta đã nói quá nhiều về câu chuyện "sốt" đất và những hệ lụy của nó, mặc dù có nhiều biện pháp khác nhau thực hiện cùng một thời điểm, nhưng thực tế vẫn chưa xử lý triệt để "vấn nạn" về "sốt" đất. Trong khi đó, biện pháp căn cơ nhất là đánh thuế nhà đất chưa bao giờ được áp dụng, thì giá đất không thể "hạ sốt".
"Tôi đã nói hàng chục năm nay rồi, nhưng chưa bao giờ áp dụng. Trước hết, thuế BĐS sẽ chặn sốt đất, ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ BĐS (bao gồm cả đất đai) dưới dạng có BĐS nhưng để hoang hóa, giữ đất nhưng đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả" – GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh và cho biết thêm rằng, kinh nghiệm ở các nước công nghiệp phát triển, thuế BĐS được tính cơ bản bằng 1% giá thị trường, nhưng chiếm tỷ trọng từ 50 – 90% nguồn thu cho ngân sách, tại đô thị giá đất cao thì đóng thuế nhiều, nông thôn giá thấp thì đóng thuế ít, vì vậy người dân sẽ tùy vào khả năng mà lựa chọn nơi ở cho phù hợp.
Ở chiều ngược lại, Phó Giám đốc IP Land Trần Quốc Việt cho rằng, BĐS vẫn được người dân xem là kênh đầu tư an toàn nhất, giá trị ổn định và có thể gia tăng theo thời gian; Cùng với đó, quá trình đô thị hóa nhanh giúp cho hệ thống hạ tầng, giao thông được kiện toàn cũng giúp cho giá BĐS tăng theo, đây được xem là tất yếu của thị trường. Bởi vậy, nếu thực hiện đánh thuế BĐS thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu của nhà đầu tư, vì phần đánh thuế chỉ một vài % thấp hơn nhiều so với giá tăng bình quân hàng năm của thị trường.
"Theo tôi, giải pháp có thể thực hiện là siết chặt dòng tiền đầu tư "chảy" vào BĐS, vì phần lớn tiền đổ vào BĐS chỉ chuyển lợi nhuận xoay quanh cho một nhóm người mà không mang lại giá trị thặng dư cho nền kinh tế, không kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Trần Quốc Việt phân tích.