Ảnh minh họa - Ảnh: Doanh nghiệp và Tiếp thị
Như đã thông tin, trong tháng 5, đầu tháng 6, nhiều ngân hàng thương mại đã thay đổi biểu lãi suất huy động, trong đó, một số ngân hàng đã tăng thêm 0,1 - 0,3 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn.
Chẳng hạn, tại SHB, ở kỳ hạn 36 tháng,lãi suất khi gửi tại quầy hiện nay là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm, đều tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng 4. Tương tự, các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Hay tại đợt điều chỉnh ngày 29/05, Bac A Bank tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm và 12 tháng là 6,3%/năm.
Tương tự, Sacombank tăng 0,1 – 0,2 %/năm đối với hồi tháng 4. Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5%/năm.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, áp lực lãi suất huy động đang tăng lên, bởi trong 5 tháng đầu năm, các ngân hàng giải ngân khá mạnh sẽ dẫn tới việc ngân hàng tăng vốn huy động để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng và một trong những cách là tăng lãi suất lên để hấp dẫn người gửi. Ngoài ra, vị chuyên gia này cho biết, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh thời gian qua và chưa hạ nhiệt cũng chứng tỏ thanh khoản ngân hàng có dấu hiệu hẹp lại.
Tương tự, TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định, huy động vốn dường như đang tăng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. "Theo ước tính của chúng tôi thì tín dụng hết tháng 5 tăng khoảng 5%, trong khi đó huy động vốn tăng khoảng 4%, thấp hơn", vị chuyên gia cho biết.
Huy động tăng chậm hơn một phần do lãi suất thấp dẫn đến sự dịch chuyển kênh đầu tư sang chứng khoán và một chút sang bất động sản. Tuy nhiên đây cũng là diễn biến hoàn toàn bình thường. về cơ bản, thanh khoản hệ thống vẫn được duy trì ở mức ổn chứ không căng thẳng.
Ông Lực cho rằng, thời gian qua, một số ngân hàng cũng đã tăng lãi suất đầu vào, nhưng đây chỉ là diễn biến cục bộ, họ tăng lượng huy động vốn để bù đắp vào tín dụng tăng thời gian vừa qua và sắp tới.
Vị chuyên gia dự báo, cuối năm, lãi suất huy động có thể nhích lên nhưng cơ bản ở cục bộ một số ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ khó giảm vì đang ở mức rất thấp và đây cũng không phải là điểm nghẽn của tín dụng vì tín dụng vẫn có tăng trưởng cao. "Trong bối cảnh lãi suất đầu vào có xu hướng tăng lên, cả trên thế giới và tại Việt Nam thì duy trì lãi suất đầu ra ổn định cũng tốt rồi", ông nói thêm.
Cũng đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của chứng khoán VCBS cho rằng, lãi suất huy động tăng thời gian qua mới chỉ có dấu hiệu tăng cục bộ, chưa ghi nhận áp lực tăng trên toàn hệ thống. Việc lãi suất tăng ở một số ngân hàng là nhằm cân bằng lại lợi ích của người gửi tiền với kỳ vọng phần nào giảm xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư thay vì giữ các khoản tiết kiệm.
Xét từ góc độ thế giới, VCBS cho biết, các nỗ lực tiêm phòng vaccine vẫn đang được tiến hành, và khả năng tiếp cận vắc xin sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ mở cửa trở lại nền kinh tế và theo đó tạo ra sự phân hóa về tốc độ hồi phục. Với các quốc gia châu Âu hay Mỹ dù đã bắt đầu mở cửa trở lại, nhưng các Ngân hàng Trung ương vẫn tỏ ra khá thận trọng và chưa vội vã xem xét thay đổi tới các chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tại Việt Nam, giai đoạn này, thông điệp NHNN tiếp tục thể hiện sự nhất quán, kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản và định hướng chung vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đã có những diễn biến phức tạp trở lại.
VCBS cũng lưu ý thêm, tháng 7 là thời điểm giao dịch mua kỳ hạn ngoại tệ được hiện thực hóa, kỳ vọng bổ sung thêm đáng kể thanh khoản cho hệ thống. Đồng thời, kỳ vọng cân bằng lại tốc độ tăng trưởng huy động so với tăng trưởng tín dụng vốn đã tăng nhanh hơn trong các tháng đầu năm.