Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần qua, hai vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã lấy đi 10 mạng người. Trước đó chưa lâu, ngày 4/02/2021, một vụ cháy ở nhà trọ trên phố Tam Khương, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cũng khiến 4 người tử vong, trong đó có 3 sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi. Các trường hợp này nhà bị hỏa hoạn đều là dạng nhà ống (hay còn gọi là nhà lô phố). Vấn đề phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm khỏi các đám cháy trong những ngôi nhà ống cần được quan tâm thấu đáo để giảm thiệt hại khi có hỏa hoạn – nhất là tính mạng con người.
Thực tế cho thấy là hầu hết các vụ cháy xảy ra gây thiệt hại về người là nạn nhân không thể thoát ra khỏi đám cháy khi mới bùng phát; mà nguyên nhân là do thiếu lối thoát hiểm trong những ngôi nhà ống. Trong khi đó, lực lượng cứu hoả, cứu hộ lại rất khó tiếp cận với những công trình này, đặc biệt là những công trình trong ngõ hẻm. Vấn đề thoát hiểm trong nhà ống rất cần được quan tâm từ góc độ kiến trúc, là làm sao có thể dễ dàng thoát hiểm khi sự cố xảy ra.
Phần lớn những ngôi nhà ống đều có chung đặc điểm bất lợi: đó là hẹp và sâu, diện tích nhỏ, ít mặt thoáng, không gian xung quanh thường là những ngôi nhà cao tầng san sát. Chính vì vậy trong thiết kế nhà ống, nhà phố ở đô thị người ta thường quan tâm đến diện tích sử dụng, sự phân bố các phòng, các tiện ích khác mà ít ai nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, do lo ngại về vấn đề trộm cắp, và an toàn sử dụng (tránh ngã trên cao) nên nhà ống thường được xây kín đáo với cửa khoá nhiều lớp, che chắn mặt tiền bằng gạch hoa, lam, lưới, lồng sắt, cửa sổ có hoa sắt… nên khi có sự cố xảy ra thường không có đường thoát và rất dễ bị ngạt khói. Cũng do đặc điểm riêng của nhà ống nên loại công trình này không thể/khó thiết kế phòng cháy theo các tiêu chuẩn thông thường cũng như lắp đặt các trang thiết bị báo cháy, chữa cháy như các công trình lớn.
Chính vì vậy khi có hoả hoạn thường thiệt hại rất nặng về người và tài sản. Lối thoát hiểm thực sự là cần thiết cho nhà ống và cần đuợc nhìn nhận nghiêm túc dưới góc độ thiết kế kiến trúc... Vậy nên bố trí lối thoát hiểm ở đâu, như thế nào; và các giải pháp liên quan để giảm thiểu thiệt hại khi hoả hoạn xảy ra?
- Nhà nên có ban công, lo-gia: Nhà phố nên có ban công lo-gia ở mặt tiền với lan can. Đây là lối thoát hiểm hữu hiệu. Ban công, lo-gia không những là bộ phận mang tính thẩm mỹ cho công trình, mà còn góp phần chắn nắng, che mưa và là chỗ thoát thân khi có sự cố. Trong trường hợp cháy trong nhà có khói ngạt thì khu vực này cũng thông thoáng có thể duy trì sự sống để chờ cứu hộ. Trong trường hợp ban công, lo-gia không sử dụng lan can mà quây lam, lưới… thì nên có ô cửa mở bằng bản lề, có khoá để có thể mở khi cần thiết.
- Nhà nên có sân thượng và giếng trời: Sân thượng là một khoảng trống lớn, thoáng giúp thoát hiểm hữu hiệu tương tự như ban công, lo-gia. Tuỳ vào địa hình cụ thể mà người bị nạn ở vị trí sân thượng có thể thoát hiểm sang nhà hàng xóm kế bên, hoặc chờ lực lượng cứu hộ tới hỗ trợ. Giếng trời trong nhà phố giúp thông thoáng và thoát khói thẳng lên trên khi sự cố hoả hoạn xảy ra, giảm quẩn khói trong nhà gây ngạt.
- Trong điều kiện có thể với những nhà có nhiều hơn một mặt tiền, nên bố trí cửa thoát hiểm ở phía sau hoặc bên hông nhà, phòng khi không thoát ra được ở cửa chính thì thoát ở cửa phụ. Các hệ thống chốt khoá cần được lưu ý hoạt động tốt, đơn giản, dễ vận hành.
- Bố trí cầu thang thoát hiểm lên tầng mái: Thông thường với nhà ống, sàn mái được làm phẳng để đặt bể nước mái; và thường có thang kỹ thuật từ sân thượng hoặc khu vực nào đó lên mái. Đây cũng là lối thoát hiểm quan trọng. Nhưng để dễ dàng thoát hiểm, cầu thang kỹ thuật này cần được thiết kế thuận tiện cho sử dụng. Thông thường, các thang kỹ thuật này hay được làm bằng thép cắm vào tường (thang khỉ) hoặc dùng thang rời kiểu thang nhôm chữ A. Nhưng nếu chuyển sang có loại thang có tay vịn thì sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.
- Bố trí mỗi tầng có ít nhất hai lối thoát hiểm: Một lối thoát hiểm ra cầu thang (lên hoặc xuống) và một lối thoát hiểm khác (cửa sổ, ban công, lo-gia).
- Cửa chính, nếu có một lớp thì nên làm cửa mở quay ra ngoài (trong trường hợp có thể) sẽ dễ thoát hiểm hơn. Các loại cửa sắt kéo, cửa nhôm cuốn không thuận tiện cho việc thoát hiểm. Các loại cửa trong nhà như cửa phòng, cửa mở ra ban công, lo-gia, sân thượng nên sử dụng hệ chốt khoá đơn giản, dễ vận hành; nên sử dụng khoá bằng các loại chốt hãm, không dùng chìa.
Hiện nay, một số gia đình có khả năng về kinh tế đã lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy cho nhà ở gia đình (nhà phố, nhà ống), tuy nhiên việc này chưa phổ biến; nên giải pháp kiến trúc vẫn là quan trọng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, các gia đình nên tự trang bị bình chữa cháy (bình CO2, bình bột); và thường xuyên kiểm tra các vị trí cửa, lối thoát hiểm để dễ dàng vận hành khi có sự cố; cũng như kiểm tra và xử lý kịp thời hệ thống điện không để quá tải, chập cháy. Bên cạnh đó cũng cần có thường trực một số dụng cụ hỗ trợ thoát hiểm như: Xà beng, búa, dây… ở những vị trí thích hợp. Và điều quan trọng nhất là ý thức cảnh giác hỏa hoạn, cẩn trọng trong các hoạt động sinh hoạt liên quan đến lửa như đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, hút thuốc… Việc xây dựng một kịch bản thoát hiểm cũng là điều cần thiết để đảm bảo tính mạng con người.