Mới đây, một số khách hàng của Vietcombank bất ngờ khi bị trừ khoản tiền lên tới 77.000 đồng một tháng cho phí dịch vụ biến động số dư qua tin nhắn SMS trong khi các tháng trước chỉ mất 11.000 đồng.
Khoản phí SMS Banking 77.000 đồng của Vietcombank là con số lớn nếu so với mức phí dao động từ 7.700 đồng đến 13.000 đồng mà phần lớn nhà băng khác đang áp dụng. Nếu tiếp tục sử dụng dịch vụ SMS Banking, chủ tài khoản Vietcombank thường xuyên giao dịch có thể mất tiền phí gần triệu đồng mỗi năm.
Chính sách tăng phí dịch vụ SMS Banking được Vietcombank phát ra từ cuối tháng 12/2021, kèm theo việc miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tử cho khách cá nhân mà không yêu cầu điều kiện kèm theo.
Thay vì mức thu chung 11.000 đồng mỗi tháng như trước, từ đầu 2022, Vietcombank điều chỉnh phí dịch vụ nhận tin nhắn qua SMS theo bậc thang, tuỳ thuộc vào lượng tin nhắn của mỗi khách hàng.
Số tiền phí với mỗi khách hàng theo đó sẽ dao động từ 11.000 đồng đến 77.000 đồng. Mức phí cao nhất là 77.000 đồng áp dụng cho cá nhân nhận từ 100 tin nhắn mỗi tháng trở lên.
Hiện nay, Vietcombank là nhà băng có lượng khách hàng cá nhân lớn nhất thị trường. Theo số liệu từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhà băng này sở hữu lượng người dùng cá nhân lên tới 16,8 triệu khách, tiếp theo là BIDV, MB và Techcombank tương ứng với lượng người dùng là 12,8 triệu, 8,8 triệu và 8,4 triệu người.
Cũng chính vì sở hữu tệp khách cá nhân đông đảo, chính sách tăng phí dịch vụ biến động số dư qua SMS của Vietcombank có tác động lớn đến nhiều người dùng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Từ đầu năm nay, BIDV có động thái tương tự Vietcombank khi miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử nhưng tăng phí dịch vụ SMS Banking. Mức phí cao nhất mà BIDV thu là 77.000 đồng, áp dụng với cá nhân phát sinh tin nhắn thông báo biến động số dư, giao dịch thẻ... từ 101 tin nhắn trở lên mỗi tháng.
Tuỳ thuộc vào lượng tin nhắn, số tiền phí SMS Banking của chủ tài khoản BIDV phải đóng hàng tháng có thể rơi vào 9.900 đồng, 33.000 đồng, 60.500 đồng hoặc 77.000 đồng.
Còn tại Techcombank, phí dịch vụ biến động số dư tin nhắn với khách hàng thông thường đã được điều chỉnh từ tháng 9 năm 2020, dao động từ 13.200 đồng đến 82.500 đồng. Mức phí cao nhất là 82.500 đồng áp dụng cho người nhận từ 61 tin nhắn trở lên hàng tháng.
Ngoài ra, một nhà băng tư nhân khác là ACB cũng đã ngưng dịch vụ thông báo bằng SMS với giao dịch thẻ dưới 100.000 đồng và chuyển sang hình thức nhận bằng email.
Lâu nay, khách hàng đều quen thuộc với việc nhận thông báo thay đổi số dư và mã xác thực một lần OTP bằng tin nhắn. Tuy nhiên, các ngân hàng phải trả phí SMS cho nhà mạng với mức giá đắt gấp ba so với mức phí thông thường.
Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết, các nhà mạng đang thu dịch vụ tin nhắn ngân hàng cao gấp ba lần tin nhắn của cá nhân. Mobifone và Vinaphone thu 820 đồng một tin nhắn, Viettel thu 785 đồng một tin nhắn. Nhiều nhà băng gánh lỗ trăm tỷ vì dịch vụ SMS Banking.
Lãnh đạo của một nhà băng có vốn nhà nước cho biết phải trả gần nghìn tỷ đồng cho dịch vụ gửi SMS tới khách hàng, gồm thông báo biến động số dư và tin nhắn gửi mã OTP.
Hai năm qua, VNBA cũng đã nhiều lần kiến nghị đơn vị viễn thông giảm giá dịch vụ để hỗ trợ nhà băng, đặc biệt khi số lượng và giá trị qua kênh điện thoại di động tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên cho tới nay, các nhà mạng vẫn chưa có bất kỳ động thái hỗ trợ nào.
Vì thế, các nhà băng hiện nay "tự thân" chuyển đổi để bớt lệ thuộc hơn vào các đơn vị viễn thông. Họ khuyến khích khách hàng chuyển qua kênh nhận thông báo biến động số dư và mã OTP thông qua ứng dụng thay vì tính năng tin nhắn SMS.
Như trong thông báo tăng phí, Vietcombank và BIDV cũng đã khuyến nghị khách hàng thay thế dịch vụ SMS chủ động bằng cách chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua OTT (dịch vụ OTT Alert).
Theo đó, khách hàng có thể nhận được thông báo giao dịch và mã OTP trên ứng dụng miễn phí, chỉ cần điện thoại kết nối Internet.
Trong thông báo tăng thu phí SMS, Vietcombank cho biết, dịch vụ OTT Alert hoàn toàn miễn phí và vẫn hỗ trợ đầy đủ các thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, các thông tin dịch vụ, các chương trình ưu đãi và các thông tin khác...