Xây dựng từ tháng 10-2018, nhà máy Điện mặt trời Mũi Né xây dựng trên khu đất khô cằn, không có giá trị kinh tế rộng hơn 38 ha. Nhà máy sẽ tạo ra 68 triệu kilowatt giờ (KWH) điện, góp phần giảm 55.447 tấn CO2 mỗi năm.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua toàn bộ sản lượng điện do nhà máy tạo ra trong hai mươi năm với giá 9,35 cent mỗi kilowat theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời.
Nhà máy điện mặt trời Mũi Né có công suất 40 MWP
Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay với nhà thầu TTCL Việt Nam (tiền thân là công ty Toyo Việt Nam - TVC) thuộc tập đoàn TTCL liên doanh của Thái Lan và Nhật Bản. Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) đã hỗ trợ tài chính dự án bằng việc cung cấp một khoản vay dài hạn và không có tài sản đảm bảo nào khác, là dự án vay không có bảo lãnh duy nhất cho thị trường năng lượng mặt trời.
Ngân hàng Phương Đông OCB đã dựa vào kinh nghiệm sâu rộng của các chủ đầu tư dự án trong thị trường năng lượng mặt trời để thúc đẩy việc thực hiện cho vay cho các đối tác thông qua giải pháp tài chính sáng tạo và có thể nhân rộng.
Ông Gavin Smith, Giám đốc Quỹ Năng lượng Sạch của Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết: "Việc triển khai thành công dự án điện mặt trời này là do sự hợp tác của các nhà đầu tư điện mặt trời hàng đầu từ Pacifico Energy, Hoa Kỳ và Quỹ đầu tư Dragon Capital, Anh Quốc. Các chủ đầu tư đã kết hợp hiệu quả giải pháp tài chính sáng tạo từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) của Việt Nam và kỹ thuật cao nghiêm ngặt từ Nhật Bản của công ty TTCL.
Dự án này đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới của các nhà đầu tư năng lượng trong việc hợp tác với Tổng Công ty Điện lực Miền nam Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Miền Nam, UBND Tỉnh Bình Thuận và Bộ Công Thương, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các bên liên quan. Nhà máy điện mặt trời Mũi Né được hoàn thành đúng thời hạn, trong ngân sách được duyệt để cung cấp nguồn điện sạch hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam".
Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi rất vui mừng khi thấy dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Tôi xin chúc mừng những nỗ lực tuyệt vời của chính quyền địa phương và các nhà đầu tư trong việc đạt được thành tựu ngày hôm nay. Nhà máy điện mặt trời Mũi Né là một ví dụ điển hình cho việc các đơn vị có thể tham gia và hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Tôi mong muốn sẽ được nhìn thấy nhiều hơn nữa những khoản đầu tư vào năng lượng carbon thấp trong tương lai".
Ông Nathan William Franklin, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy Hoa Kỳ nói: "Với kinh nghiệm xây dựng và vận hanh 6 nhà máy Điện mặt trời và 16 nhà máy Điện mặt trời khác đang xây dựng ở Nhật, nhà máy Điện mặt trời Mũi Né là nhà máy Điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam và chúng tôi cũng đang có kế hoạch mở rộng và phát triển thêm nhiều nhà máy khác".
Tiến sỹ Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc công ty CP Đức Thành Mũi Né, là người học về phát điện gần 10 năm ở Châu Âu và có hơn 20 năm kinh nghiệm quản lý ở các Tập đoàn năng lượng lớn nhất lớn nhất thế giới tâm sự: "Là người Việt Nam, tôi luôn ước mời được vốn và công nghệ từ các Quốc gia tiên tiến về Việt Nam để góp phần cung cấp điện sạch cho quê hương mình, tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho bà con nhân dân địa phương, đóng thuế cho nhà nước …. Dự án đã xây dựng đường giao thông, nhà tình thương cho bà con nhèo gần dự án, đền bù thỏa đáng cho bà con có khai hoang, ưu tiên sử dụng lao động và dịch vụ của Địa Phương. Với hơn 1,000 tỷ đồng đầu tư, dự án đã làm thay đổi một phần khu Long Sơn – Suối nước, và đời sống bà con Mũi Né".
Nhà máy Điện mặt trời Mũi Né là sự hợp tác đầu tiên giữa công ty Dragon Capital và công ty Pacifico Energy trong lĩnh vực năng lương tái tạo tại Việt Nam. Nhà máy điện mặt trời Mũi Né cũng là khoản đầu tư thứ ba của Công ty Dragon Capital vào các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn của năng lượng sạch tại Việt Nam.