Đầu tư chung cư cũ mong kiếm lời
Năm 2014, ông Nguyễn Quang Thắng, ngụ quận Bình Thạnh (TP HCM) quyết định mua 3 căn chung cư tại lô H, G, E của chung cư cũ Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với giá hơn 600 triệu đồng/căn 45 m2. Ông Thắng cho biết, việc mua chung cư cũ nhiều như vậy để đầu tư, bởi khi đó ông nghe thông tin Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp vào cải tạo chung cư cũ.
“Nếu doanh nghiệp vào cải tạo, chỉ tính đền bù, nhà tôi cũng lời, hoặc thậm chí họ cải tạo xong, 3 căn nhà của tôi được làm mới và giá bán chắc sẽ tăng rất cao”, ông Thắng tính toán.
Nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt vì đầu tư căn hộ chung cư cũ với kỳ vọng kiếm lời từ tiền đền bù. Ảnh: Gia Huy
Tuy nhiên, tính toán đi trước đón đầu của ông Thắng hoàn toàn phá sản khi tới thời điểm này, TP.HCM chưa thể thực hiện cải tạo chung cư cũ Thanh Đa, khiến gần 2 tỷ đồng của ông vẫn “chôn chân” tại chỗ. Thậm chí, ông Thắng cho biết, mới đây, vì kẹt tiền làm ăn, ông chào bán 1 trong 3 căn chung cư cũ trên, nhưng khách trả chỉ hơn 400 triệu đồng.
Cũng với tính toán mua nhà chung cư cũ để mong hưởng lợi khi được đền bù số tiền lớn hơn lúc mua, bà Lê Thị Lựu, ngụ quận 3 (TP.HCM) thậm chí còn bị mất một khoản tiền lớn.
Cụ thể, bà Lựu kể năm 2014, nghe bạn bè rủ đi mua chung cư cũ để đợi đền bù giải tỏa hưởng lợi, bà đã mua 1 căn hộ tại Chung cư Cửu Long (128 Hai Bà Trưng, quận 1). Sau 3 năm, bà Lưu mới biết căn hộ chung cư mình mua thuộc cấp D (cấp nguy hiểm, có thể đổ sập bất cứ lúc nào). Ngày 18/9 vừa qua, quận 1 đã tiến hành cưỡng chế giải tỏa chung cư này và bà Lựu được đền bù số tiền chỉ bằng một nửa số tiền bà bỏ ra mua.
Cũng như bà Lựu và ông Thắng, nhiều nhà đầu tư khác mua nhà chung cư cũ mong kiếm lời cũng đang trong tình trạng “lỗ vốn”.
Anh Trần Hoàng, ngụ Hà Nội, chủ nhân căn chung cũ 1A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 (TP.HCM) cho biết, anh mua căn chung cư cũ rộng hơn 50 m2 này năm 2015 vì rẻ và có thể cho thuê, đồng thời đợi đền bù. Giá căn hộ chung cư anh mua là hơn 900 triệu đồng, cộng thêm gần 200 triệu đồng tu sửa. Tuy nhiên, từ ngày mua tới giờ, anh mới chỉ cho thuê được 3 tháng, giá cho thuê lúc đầu là 9 triệu đồng/tháng, giờ hạ xuống 5,5 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn không có khách thuê, bởi chung cư quá cũ…
Khó xây chung cư mới vì nhà đầu tư thứ cấp
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt Gia Phú - doanh nghiệp đang thực hiện xin đầu tư xây dựng, cải tạo một chung cư cũ tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp ông đau đầu vì những nhà đầu tư thứ cấp mua căn hộ chung cư cũ để hưởng lợi từ tiền đền bù kiểu này.
Ông Tuấn kể, khi họp dân, những người dân sống lâu năm ở chung cư cũ đồng thuận những gì chủ đầu tư đưa ra để xây dựng mới chung cư, nhưng những nhà đầu tư thứ cấp lại không chấp nhận, vì họ thấy không có lời.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, hiện Thành phố có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, với hơn 35.000 người dân đang sinh sống. Trong đó, có 14 chung cư cấp D, cấp cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay, đã có 100 doanh nghiệp xin được cải tạo các chung cư cũ tại TP.HCM, nhưng từ đầu năm 2017 tới nay, Thành phố mới chỉ di dời được 3 chung cư cũ.
“Theo báo cáo từ các quận, huyện lên Chủ tịch UBND Thành phố, có tình trạng nhiều nhà đầu tư thứ cấp mua căn hộ chung cư cũ để kiếm lời và họ chính là tác nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ cho việc cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn”, ông Hoan nói.
Còn theo PGS-TS. Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, để xảy ra tình trạng nhà đầu tư ôm căn hộ chung cư cũ, gây khó khăn cho chủ đầu tư, một phần đến từ lãnh đạo địa phương đã cho phép sang nhượng chung cư cũ, trong khi tại thời điểm này, việc sang nhượng chung cư cũ cần hạn chế, chỉ được sang nhượng giữa người trong gia đình với nhau.