Báo cáo của Allied Market Research ước tính tổng giá trị thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam năm 2021 đạt mốc 0,71 tỉ USD và con số này dự kiến sẽ tăng lên mức 4,88 tỉ USD vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm là 24,1%. Đi cùng với sự tăng trưởng này của thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp, người bán và khách hàng cũng cần thêm nhiều tiêu chí khác.
Nhận thức được nhu cầu ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp chuyển phát nhanh chọn cách thu hút và giữ chân khách hàng thông qua một loạt các dịch vụ giá trị gia tăng đa dạng từ khâu lấy hàng, xử lý tới khi giao nhận. Các dịch vụ gia tăng tiêu biểu như phân loại sản phẩm đóng gói, dán nhãn, theo dõi bưu kiện trực tuyến, ứng dụng di động, e-mail và cảnh báo SMS, gắn thẻ bảo mật, hỗ trợ khách hàng qua tổng đài 24/7…
Để cung cấp hàng loạt dịch vụ như trên, doanh nghiệp chuyển phát nhanh không thể thiếu nền tảng cơ sở hạ tầng - các trung tâm trung chuyển trải dài trên khắp Việt Nam. Như J&T Express, chỉ trong 4 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam đã chủ động đầu tư tới 36 trung tâm trung chuyển được trang bị công nghệ hiện đại.
J&T Express đã khánh thành Trung tâm trung chuyển tại Củ Chi; sớm đầu tư xây dựng tính năng Track & Trace trên website giúp theo dõi đơn hàng, đổi điểm giao, nhận hàng hóa một cách thuận tiện và dễ dàng. Đối với dịch vụ Giao hàng tiêu chuẩn, J&T Express công bố xử lý đền bù trong vòng 3 ngày và xử lý đền bù trong vòng 1 ngày đối với Siêu dịch vụ J&T Super…
Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express chia sẻ: "Trong bối cảnh thị trường chuyển phát nhanh ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc cung cấp thêm dịch vụ giá trị gia tăng là chìa khóa để J&T Express trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng và đối tác. Khi khách hàng nhận được thêm nhiều giá trị, shipper thuận tiện hơn khi giao hàng và đối tác có thêm nhiều cơ hội mới, thì các bên đều có động lực để đi xa cùng nhau, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian dài".