Khu đô thị mới trong tương lai
Với vai trò là cửa ngõ kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, từ lâu, khu Đông đã được Nhà nước và chính quyền TP đầu tư hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, phục vụ việc giao thương.
Có thể kể đến tuyến đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông tại vòng xoay Mỹ Thủy - công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực Cảng Cát Lái…
Bệnh viện Ung Bướu TP HCM (cơ sở 2) tại phường Tân Phú, quận 9 được đầu tư theo chuẩn mực quốc tế đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong quí 2-2019.
Trong giai đoạn 2018-2020, Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông như: mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ Cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy)...
Mới đây, tại hội nghị cán bộ TP HCM quán triệt kết luận số 21 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra kế hoạch hình thành một Khu đô thị sáng tạo nhằm kết nối 3 quận phía Đông thành một hệ sinh thái, xây dựng khu vực trung tâm làm hạt nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.
Khu đô thị này được hình thành từ sự kết nối giữa quận 9 (có Khu Công nghệ cao) với quận 2 (có khu đô thị mới, trung tâm tài chính hình thành trong tương lai) và quận Thủ Đức (có 12 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP HCM với 1.500 tiến sĩ, hơn 70.000 sinh viên) là tiền đề quan trọng cho kế hoạch đầy tham vọng này của TP.
Không chỉ có điểm nhấn là khu đô thị sáng tạo, với mật độ dân cư cao (các quận 2, 9 và Thủ Đức có diện tích 211,73km2, dân số gần 1 triệu người), khu Đông còn là nơi thu hút các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính – tín dụng) với trục tâm điểm là khu đô thị mới Thủ Thiêm, các khu công nghiệp công nghệ cao, Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc và đô thị đại học, khởi nghiệp sáng tạo… Tất cả, tạo nên những điều kiện, nền tảng quan trọng cho sự phát triển đồng bộ trong tương lai gần.
Hạ tầng xã hội đi theo
Trên thực tế, tại khu Đông, không chỉ có hạ tầng kỹ thuật, mà hạ tầng xã hội cũng đang được chính quyền quan tâm phát triển để phục vụ tối đa nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại, bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2 (ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, quận 9) đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sẵn sàng đón những bệnh nhân đầu tiên vào quý 2-2019.
Dự án có tổng mức đầu tư 5.845 tỉ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh được xây dựng trên diện tích 55.594 m2 với tổng diện tích sàn hơn 120.000 m2. Bệnh viện cao 10 tầng và 2 tầng hầm với các khu điều trị: Khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú, Khu điều trị nội trú, Khu kỹ thuật nghiệp vụ, Khu hành chính quản trị, bãi đậu xe và sân đậu trực thăng phục vụ công tác vận chuyển bệnh nhân cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là một trong 5 dự án bệnh viện thuộc đề án Đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP HCM theo một quyết định năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là bệnh viện chuyên khoa có quy mô và tính hiện đại bậc nhất hiện nay, có thể so sánh với các bệnh viện hiện đại cùng chuyên ngành trên thế giới. Bệnh viện có thể điều trị nội trú cho 1000 bệnh nhân nội trú theo chuẩn mực quốc tế, và khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân ngoại trú/ngày.
Để vận hành bệnh viện, hơn 300 bác sĩ theo "chuẩn quốc tế" đã được tuyển dụng xong. "Thời gian qua có một số đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về dự án họ đánh giá rất cao và đây thực sự của ngành y tế nước ta nói chung và của TP HCM nói riêng", bác sĩ Bỉnh cho biết.
TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học nhận định, việc một số hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng tại các cửa ngõ của TP như BV mới Ung Bướu, Bến xe mới Miền Đông, BV Nhi TP, tuyến metro... là nền tảng quan trọng để TP HCM xây dựng, phát triển đô thị vệ tinh giảm áp lực gia tăng dân số cho các quận trung tâm.
Trong đó, việc hình thành tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên hay Bến xe Miền Đông mới sẽ góp phần hình thành các các khu đô thị mới dọc các "trục" này... Ngược lại, khi các dự án xung quanh các trục này phát triển lại tạo sự phát triển cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát huy hiệu quả tốt nhất. Các dự án khởi đầu như Bệnh viện Ung Bướu TPHCM (cơ sở 2) được xem là những hạt nhân cho sự khởi đầu đó.
Theo một chuyên gia bất động sản, vấn đề của TP HCM hiện nay là sử dụng nguồn tài nguyên đất kém hiệu quả ở nhiều nơi, ách tắc giao thông và ngập nước. Hiện tại, TP đã sử dụng hết quỹ đất để phát triển đô thị, bắt đầu có mầm mống đầu cơ đất đai.
Nguyên nhân của vấn đề này, là do một thực tế rằng phần lớn các dự án nhà ở, phát triển đô thị được giao trước khi có quy hoạch nên khi Nhà nước làm quy hoạch phải chấp nhận "chuyện đã rồi".
Trong các quy hoạch, TP có xu hướng phân bổ dân cư bình quân cho các quận huyện dựa trên diện tích đất, dẫn đến tình trạng đưa dân cư vô những vùng ngập nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có kế hoạch phát triển đô thị để bảo đảm cho đô thị phát triển hài hòa, chưa chuẩn bị tốt nguồn tài chính để xây dựng hạ tầng phục vụ đô thị.
Để giải quyết tình trạng này, TP cần tính lại bài toán dân số giữa các quận huyện. Nhà nước nên "rút" các dự án nhà ở đã giao ở những nơi không phù hợp phát triển dân cư như các khu vực nền đất yếu, cốt thấp, có chi phí xử lý cốt nền cao, phải làm nhiều cầu cống. Chỉ tiêu phát triển dân cư ở những khu vực này sẽ được chuyển cho những khu vực cần thiết, chẳng hạn như dọc tuyến metro 1 ở quận 2, quận 9; dọc tuyến metro 2 ở quận 10, Tân Bình…