Một khu vực ở trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Thời gian ngừng CPXD công trình cao ốc tại các quận 1, 3 được áp dụng từ nay đến năm 2020 đối với các dự án phát triển nhà ở. Đối với các dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, các dự án dịch vụ giải trí khác vẫn CPXD bình thường, nếu các công trình này đáp ứng các điều kiện như phù hợp quy hoạch xây dựng, mục đích sử dụng đất, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng công trình...
Thành phố vẫn ưu tiên đầu tư phát triển các chung cư mới để thay thế các chung cư cũ đã xuống cấp, nhất là các chung cư được xây dựng từ trước năm 1975. Do đó, việc đầu tư xây dựng các chung cư cũ không bị ảnh hưởng bởi quy định này. Ngoài ra, đối với những dự án đã có chủ trương đầu tư xây dựng hoặc đã được CPXD mà chưa triển khai thì vẫn thực hiện bình thường.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, vì đây là chương trình phát triển nhà ở, đối tượng và phạm vi chỉ là các dự án nhà ở cho nên không thể đề cập đến các công trình trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng…, dù những công trình này cũng là tác nhân gây ùn tắc giao thông. Việc cấm xây mới các công trình này chỉ có thể đề cập trong chương trình phát triển đô thị. Thành phố đang giao cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới.
Lý giải vì sao chỉ ngưng CPXD nhà ở đối với quận 1, quận 3 trong khi một số khu vực khác tiếp giáp với hai quận này cũng quá tải lại vẫn "mở cửa", Sở Xây dựng cho rằng, đây là sự tính toán kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, dân số cũng như về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông của từng quận.
Khi xem xét việc ngừng CPXD, thành phố cũng đã cân nhắc phạm vi chừng mực ở quận 1 và quận 3 trước. Tại thời điểm này, việc ngưng CPXD các dự án phát triển nhà ở tại quận 1 và quận 3 là một trong những giải pháp để hạn chế những hệ lụy nêu trên.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố đã giao việc rà soát, xác định các khu vực hạn chế cấp phép xây cao ốc tại khu vực trung tâm thành phố cho sở thực hiện từ đầu năm 2017 và việc rà soát vẫn đang tiếp tục thực hiện. Đây là vấn đề không hề đơn giản vì không chỉ rà soát mà còn phải xem xét, nghiên cứu các tiêu chí kèm theo cho từng khu vực như hệ số sử dụng đất, tầng cao cũng như các chỉ tiêu quy hoạch khác.
Trong giai đoạn rà soát, tất cả dự án xây dựng cao ốc trước khi được Sở Xây dựng cấp phép đều phải thông qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông vận tải để đánh giá tác động về giao thông. Việc CPXD có một tổ chuyên gia gồm đại diện một số sở, ngành có liên quan do Sở Xây dựng chủ trì để xem xét từng trường hợp cụ thể.
Những trường hợp đặc biệt như ở khu vực mà hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt hoặc là khu trung tâm nội thành thì phải xin ý kiến Sở Giao thông vận tải bằng văn bản về tác động giao thông. Nếu hiện tại công trình cao ốc bảo đảm giao thông thì được cấp phép cho xây dựng, còn không thì phải hạ thấp tầng cao xuống.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đề xuất thành phố kiến nghị Trung ương cho phép thu một khoản tài chính từ các nhà đầu tư được hưởng lợi từ các công trình giao thông được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách.
Bởi lẽ, khi Nhà nước làm hạ tầng, đường sá thì hệ số sử dụng đất và giá trị đất tăng lên rất cao. Thực tế lâu nay đã có những câu chuyện doanh nghiệp "đón gió" đầu tư, như metro đang hình thành, họ mua đất gần đó, khi làm xong metro, giá trị đất của họ lên rất cao nhưng Nhà nước không thu được gì.
Hoặc, doanh nghiệp mua đất trong hẻm, khi Nhà nước mở rộng đường thì thành đất mặt tiền, họ được hưởng lợi lớn mà Nhà nước cũng không thu được gì. Với những trường hợp như thế, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép khai thác thêm nguồn thu mới để có thêm nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đó cũng là điều hợp lý. Chủ đầu tư cần có nghĩa vụ đóng góp. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có luật, chưa có chính sách điều tiết nguồn thu từ những công trình kiến trúc nêu trên cho nên chưa thể thực hiện được.