Thiếu chỗ đỗ xe ô tô là một trong những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.
Chung cư thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng
Chuyển về sinh sống tại một chung cư cao cấp tại Hà Đông được gần 1 năm, anh Việt Anh không nghĩ rằng mình sẽ mua được ô tô sớm vậy. "Xây nhà đổi vận, lấy vợ đổi vận" là cách giải thích rõ nhất mà anh Việt Anh có thể lý giải về mình, bởi về chỗ mới, công việc của anh cũng phất lên như diều gặp gió.
Thế nhưng, cũng vì chuyện mua xe mà anh phải đau đầu, bởi khi mới chuyển về căn hộ, anh có một suất để xe ô tô tại chung cư, nhưng do nghĩ chưa thể mua được xe ngay, nên anh đã nhượng lại suất để xe của mình cho hàng xóm. Vì thế, bây giờ anh Việt Anh rơi vào tình cảnh trớ trêu khi mua xe xong không có chỗ để xe, bởi hiện gần như toàn bộ cư dân đã về sinh sống và chung cư hết chỗ để xe.
Không có chỗ để, bãi đổ xe tư nhân lại cách xa nhà, nên anh Việt Anh đã phải làm đơn xin phép Ban quản lý cho để xe ở sảnh, chấp nhận phơi sương phơi nắng, nhưng cũng phải sáng đi sớm, tối về muộn để tranh gây tắc nghẽn cục bộ tại khu nhà.
Câu chuyện của anh Việt Anh không phải là trường hợp hiếm, mà đang diễn ra khá phổ biến ở các chung cư tại Hà Nội. Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, rất nhiều chung cư được đưa vào sử dụng trước năm 2016 tại Hà Nội đều được xây dựng với thiết kế diện tích bãi đỗ xe nhỏ, trong khi nhu cầu mua sắm ô tô của cư dân ngày một cao.
Để hạn chế tình trạng phải để xe ngoài sảnh, hiện khi chuyển về chung cư mới, dù không có xe, nhưng nhiều cư dân vẫn "cắn răng" bỏ tiền để đăng ký chỗ đỗ xe.
Chia sẻ với phóng viên, anh Việt Dũng, một cư dân sống ở một chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, khi nhận nhà cách đây hơn 1 năm, anh vẫn bỏ ra 1,5 triệu đồng mỗi tháng để đăng ký chỗ đỗ xe. Dự án chung cư hơn 500 căn hộ, nhưng theo ban quản lý, số lượng chỗ đỗ xe ô tô không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ.
Dù thấy lãng phí số tiền xí chỗ đỗ xe ô tô, nhưng anh Dũng cảm thấy sáng suốt, bởi hiện tại, những người có nhu cầu gửi xe ô tô đều phải chờ vài tháng mới tới lượt. Anh Dũng cho biết, nhiều người sinh sống cùng toà nhà với anh đang bức xúc vì không có suất gửi xe ô tô tại tầng hầm.
Cần phải thay đổi quy chuẩn
Theo quy định của Bộ Xây dựng từ năm 2013, đối với chung cư nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20 m2 chỗ để xe. Đối với nhà ở xã hội, 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12 m2 chỗ để xe, kể cả đường nội bộ trong nhà để xe.
Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày một tăng, nhiều gia đình sở hữu xe ô tô, thì quy định này không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo quy định của pháp luật, khi chủ đầu tư tiến hành dự án nhà ở tại khu đô thị mới phải được sự chấp thuận chủ trương đầu tư của chính quyền các cấp. Trong các quyết định chủ trương dự án đầu tư có chỉ tiêu về đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó có việc đảm bảo chỗ để xe cho người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, các chủ đầu tư thường không tuân thủ tiêu chuẩn này, bởi phải xây dựng thêm tầng hầm, làm tăng chi phí tới 10 - 20% tổng chi phí xây dựng của toà nhà.
Nhiều khu chung cư đang thiếu chỗ đỗ xe ô tô trầm trọng
Trong khi đó, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101, Luật Nhà ở năm 2014, vấn đề chỗ đỗ xe sẽ do chủ đầu tư và khách hàng thoả thuận vào hợp đồng mua bán. Nếu trường hợp chủ đầu tư không đủ chỗ cho cư dân, thì sẽ tổ chức bốc thăm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, chung cư không có trách nhiệm bố trí chỗ để xe cho chủ sở hữu các căn hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư. Chính điều này khiến khi chung cư đi vào vận hành thiếu chỗ đỗ xe cho cư dân, gây ra những mâu thuẫn gay gắt giữa cư dân và ban quản lý, chủ đầu tư.
Chẳng hạn, cách đây hơn 1 năm, tại khu chung cư Golden Westlake (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã diễn ra tranh chấp về chỗ đậu ô tô giữa cư dân và chủ đầu tư. Cụ thể, do thiếu chỗ đậu ô tô nên chủ đầu tư đã đưa ra hai hình thức tính tiền gửi xe gồm: ngắn hạn 1 triệu đồng/tháng và dài hạn là 800 triệu đồng cho 38 năm.
Hình thức ngắn hạn thì cư dân chỉ được để ô tô ở hầm B2, phải đi xa hơn, còn hình thức dài hạn, cư dân được đậu xe ở tầng hầm B1, đi gần hơn. Cho rằng bị chủ đầu tư xử ép, nhiều cư dân chung cư này đã làm đơn đề nghị chính quyền TP. Hà Nội xử lý.
Cách đây không lâu, tại kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội, tình trạng khan hiếm bãi đỗ xe ở các khu chung cư đã được các đại biểu nhắc tới. Theo đó, hiện trạng hiện nay nhiều chung cư tại Hà Nội xây dựng sai thiết kế, điều chỉnh quy hoạch chưa hợp lý, dẫn tới quá tải về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông tĩnh không đủ khiến cư dân bức xúc.
Thừa nhận có thực trạng này, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, nguyên nhân thiếu chỗ đỗ xe là do quy chuẩn, tiêu chuẩn về diện tích đậu ô tô khi xây dựng các khu chung cư đã lạc hậu so với tình hình hiện nay.
Theo ông Vinh, hiện Hà Nội có khoảng 5,5 triệu xe máy (tăng 6,7%/năm) và khoảng 0,6 triệu ô tô (tăng 10%/năm). Gần đây, nhiều hộ dân do kinh tế tốt hơn nên đã mua ô tô, dẫn tới nhu cầu về chỗ đỗ ô tô ngày một tăng mạnh.
“Tiêu chuẩn hiện nay chỉ tính 4 căn hộ/chỗ đỗ ô tô hoặc 100m2 ở thì có 20m2 chỗ đỗ. Với lượng ô tô như hiện nay, những chung cư xây dựng từ năm 2016 trở về trước áp dụng quy chuẩn của Bộ Xây dựng sẽ thiếu chỗ đậu”, ông Vinh nói.
Trước đó, vào tháng 5/2016, sở này cũng đã đề xuất các chung cư tại Hà Nội phải xây dựng tối thiểu 3 tầng hầm nhằm đáp ứng nhu cầu để xe. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị gác lại do nhiều ý kiến cho rằng, quy định này trái luật, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, làm giá nhà tăng cao, vì thêm chi phí xây dựng.
Nhằm giải quyết thực trạng khan hiếm chỗ đậu xe tại các chung cư ở nội đô Hà Nội, ông Vinh cho biết, ngoài việc đang tập trung tháo gỡ vấn đề phức tạp trên, phía Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tham mưu cho UBND Thành phố định hướng về quy định thiết kế chỗ đỗ xe tại các tòa chung cư cao tầng ở nội đô. Cụ thể, khi xây dựng các tòa nhà phải đảm bảo đầy đủ chỗ đỗ xe theo quy chuẩn và phải có thêm 20% diện tích xung quanh tòa nhà để đảm bảo đủ chỗ đậu xe cho người dân.