Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức Hội thảo "Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thủy sản Việt". Tại hội thảo, ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thủy sản Na Uy, đã chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy với tư cách là quốc gia đi đầu thế giới trong việc phát triển ngành thủy sản bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.
Hiện nay, Na Uy là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và có chuỗi giá trị phát triển tốt nhờ áp dụng nhiều phương pháp. Năm 2022, Na Uy đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị khoảng 14,5 tỉ USD.
Ông Trần Công Khôi (Cục Thủy sản) cho biết ngành thủy sản về cơ bản có đầy đủ quy hoạch của ngành, như quy hoạch tôm, cua, cá tra… nhưng ở cấp tỉnh mới chỉ có Thanh Hóa và Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch. Điều này cũng cho thấy chưa có sự hài hòa giữa phát triển thủy sản và du lịch ở các tỉnh có biển. Ông Khôi nhấn mạnh, khi các tỉnh tích hợp thủy sản vào quy hoạch địa phương thì sẽ có không gian cho phát triển của ngành này.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, phát biểu tại hội thảo
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, 2022 là năm khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam ghi dấu ấn quan trọng, đặc biệt thủy sản. Chưa bao giờ xuất khẩu thủy sản đạt con số 11 tỉ USD, đây là một dấu mốc lớn. Ngành thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng thuỷ sản. Ngoài ra, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường chưa được kiểm soát, chế biến chưa sâu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến... cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành thủy sản, chưa nâng cao được giá trị.
Ngành thủy sản hiện đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỉ USD. Với các điều kiện về nuôi trồng và nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến tăng mạnh về đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, giá trị về thuỷ sản Việt Nam sẽ còn dư địa lớn để phát triển.
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành thủy sản phải nâng cao cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các chủng loại được nuôi trồng chủ đạo như tôm, cá tra...
"Bộ NN-PTNT đang trong giai đoạn xem xét các dự án khoa học công nghệ để phục vụ được yêu cầu của sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt phát triển hạ tầng. Ngoài ra, phải đi theo hướng nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn... để đảm bảo tiêu chí cho thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.