Tài sản của tỷ phú Jeff Bezos vẫn gia tăng khi cổ phiếu Amazon tăng trưởng, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm do dịch bệnh và cách ly. Ảnh: Bloomberg.
Thống kê của Forbes trong 2 tháng dịch bệnh bùng nổ cho thấy, 25 tỷ phú giàu nhất thế giới chứng kiến gia tài kếch xù tiếp tục phình thêm 255 tỷ USD. Sự giàu lên của các tỷ phú diễn ra trong bối cảnh khó khăn chồng chất đè nặng lên các nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ chạm mức thấp nhất trong lịch sử do dịch bệnh bùng phát.
Phần lớn các tỷ phú giàu thêm do chứng kiến các cổ phiếu tăng trưởng, đi ngược với xu thế lao dốc của thị trường nói chung. Tổng giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ lên tới 1.500 tỷ USD, tương đương 16% tổng giá trị tài sản của những người giàu nhất hành tinh.
Trong danh sách này, ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg là tỷ phú có quy mô gia tăng tài sản lớn nhất khi giá cổ phiếu hãng tăng gần 60% chỉ trong vòng 2 tháng qua. Cổ phiếu Facebook thiết lập mức giá đỉnh điểm, 230 USD hôm 22/5. Kết quả này là do các nhà đầu tư hồ hởi với việc Facebook tích cực đầu tư vào công cụ thanh toán trên nền tảng mạng xã hội cho người kinh doanh.
Theo báo cáo công bố cuối tháng 4 của Forbes, tài sản của Zuckerberg ước vào khoảng 86,5 tỷ USD, là người giàu thứ 4 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất của Bloomberg Index, người sáng lập Facebook hiện ở vị trí số 3 với tổng tài sản đã nhích lên 87,8 triệu USD. Tài sản của ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới đã vượt qua cả tỷ phú đầu tư Warren Buffett, nhà sáng lập tập đoàn Inditex Amancio Ortega và đồng sáng lập của Oracle, Larry Ellison.
Người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos tiếp tục giữ vững vị thế của mình trong danh sách những tỷ phú giàu nhất khi chứng kiến mức tăng tài sản lớn thứ 2. Cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon tiếp tục bùng nổ do nhu cầu người mua online gia tăng mạnh mẽ. Rủi ro lây lan dịch bệnh Covid-19 và một loạt biện pháp kiểm soát khắt khe của chính quyền khiến một loạt cửa hàng phải đóng cửa. Chứng khoán Amazon tăng tới 29% kể từ ngày 23/3. Tính đến khi đóng cửa chiều thứ 6, 22/5 tài sản của Bezos ước 146,9 tỷ USD, tăng 30 tỷ USD, tương đương 26%.
CEO Colin Zheng Huang, sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo trở thành người giàu thứ 3 Trung Quốc khi giá cổ phiếu của hãng tăng vọt. Ảnh: Bloomberg.
Tỷ phú có tốc độ tăng trưởng lớn nhất là Colin Zheng Huang, người sáng lập thị trường trực tuyến lớn thứ hai của Trung Quốc chỉ sau Alibaba, Pinduoduo. Điểm đặc biệt của trang này nằm ở mô hình mua sắm xã hội mới mẻ, cho phép người dùng chia sẻ nhanh các hoạt động mua hàng với bạn bè và gia đình. Bên cạnh đó, chiến dịch tích cực cung cấp các mặt hàng trợ cấp cho người tiêu dùng cũng khiến cổ phiếu của Pinduoduo đã tăng gần gấp đôi kể từ ngày 23/3. Tài sản của CEO, người sáng lập của hãng, Huang đã tăng thêm tới 17,9 tỷ USD, chính thức trở thành người giàu thứ 3 ở Trung Quốc với tổng tài sản 36,5 tỷ USD ở tuổi 40.
Mukesh Ambani chính thức trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á khi Facebook rót 5,7 tỷ USD đầu tư cho Reliance Jio của Ambani, hãng viễn thông thành lập bởi người cha của vị tỷ phú Ấn Độ. Đáng nói, công ty này tiếp tục thu hút lượng vốn đầu tư thần tốc khi nhận thêm 1,5 tỷ USD từ công ty cổ phần tư nhân khổng lồ KKR hôm 22/5, 750 triệu USD từ công ty đầu tư Silver Lake hồi đầu tháng 5. Tổng cộng, công ty của người giàu nhất châu Á đã nhận về 10 tỷ USD vốn đầu tư chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Tài sản của Ambani hiện đạt 52,7 tỷ USD sau khi tăng tới 20 tỷ USD do biến động thị trường.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ tài sản của các tỷ phú giàu nhất hành tinh chủ yếu đến từ các ông chủ nắm giữ phần lớn cổ phiếu công nghệ. Bất chấp bối cảnh đại dịch khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao đóc, chỉ số tổng hợp Nasdaq chuyên về công nghệ vẫn diễn biến tích cực khi giữ mức tăng 37% kể từ ngày 23/3. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng khoảng 31%, dù có giảm 10% và 15% điểm so với năm ngoái.
Theo Forbes, bất chấp nền kinh tế chịu tổn thất nặng nề do dịch bệnh và nhiều nền kinh tế lớn lâm vào suy thoái, tài sản của 25 người giàu nhất thế giới chẳng hề giảm đi từ 23/3. Trong khi đó, phần lớn dân số còn lại đang đối mặt với hiện thực tàn khốc do kinh tế đi xuống. Tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên 39 triệu kể từ giữa tháng 3, cho thấy đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến 1/4 lực lượng lao động nền kinh tế lớn nhất thế giới.