Năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản chứng kiến những đợt tăng giá mạnh mẽ ở nhiều phân khúc, đặc biệt là đất nền, nhà riêng.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%. Song một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số dự án, khu vực với mức tăng mạnh từ 30-50%.
Sang đầu năm 2021, "cơn sốt" đất lại dấy lên ở nhiều khu vực. Theo ghi nhận của PV Dân trí, thời gian gần đây, sau khi xuất hiện "tin đồn" Bình Phước chuẩn bị xây dựng sân bay lưỡng dụng tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, ngay lập tức đoàn "cò" đất từ khắp nơi đổ về đây để "tạo sóng".
Tại khu vực ven sân bay Técníc Hớn Quản (thuộc xã An Khương và Tân Lợi, huyện Hớn Quản, Bình Phước), giới đầu cơ đất kéo về khu vực này để chèo kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất nhộn nhịp như "trẩy hội".
Biển mua bán đất được dựng lên trên tuyến đường liên xã An Khương - Tân Lợi, huyện Hớn Quản. Ảnh: Trung Kiên.
Trên tuyến đường liên xã An Khương - Tân Lợi, đoạn từ ngã ba ấp Sóc Trào A (xã Tân Lợi) đến ấp 5 (xã An Khương) hàng chục biển báo với các dòng chữ "mua bán đất sân bay Técníc", "điểm tư vấn mua bán đất nền", "bán đất sân bay giá rẻ", "mua bán đất sào sân bay Técníc"... được dựng lên dày đặc.
Không chỉ ở những nơi xuất hiện thông tin quy hoạch, một số khu vực đất nềnkhác cũng xuất hiện mức tăng giá ngay sau Tết. Anh Đình Trung - một môi giới bất động sản lâu năm - cho biết, giá đất nền dự án tại phía Tây Hà Nội đang được giao dịch với giá tăng đáng kể so với cuối năm 2020.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, giá bất động sản tăng 10-15%, có những nơi tăng 50% trong khoảng thời gian ngắn khi mọi thứ xung quanh chưa có gì đột phá là hiện tượng bất thường. Chính điều này tạo nên tâm lý e dè cho các nhà đầu tư khi muốn tham gia thị trường.
Chị Thúy Hiền - Giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội cho biết, với khoản tích lũy tương đối lớn nhưng do lãi suất tiền gửi giảm, chị muốn đầu tư vào bất động sản nhưng không biết mua ở đâu.
Mặt bằng giá mới khiến chị này lo sẽ mua lúc "đỉnh", giao dịch sau này gặp nhiều khó khăn. Lo ngại của chị Hiền cũng là "tâm sự" của nhiều nhà đầu tư khác trong bối cảnh hiện nay.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia VEPR cũng cho rằng, chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong năm 2021 sẽ giảm hiệu quả đáng kể. Đặc biệt, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.
Theo VEPR, thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, sức mua bất động sản sẽ tiếp tục tăng thêm khi kinh tế Việt Nam đi lên mạnh mẽ và hạ tầng của các thành phố lớn được nâng cấp vượt bậc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc đầu tư để đầu cơ cần hết sức cẩn trọng. Sớm muộn Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách cần thiết để buộc mọi đầu tư đều phải góp phần làm tăng năng suất tài nguyên. Khi đó, đầu tư tạo giá trị thì hưởng lợi chứ đầu tư để đầu cơ sẽ rủi ro cao hơn và lợi nhuận thấp hơn.
Việc đầu tư ồ ạt trong ngắn hạn, theo chuyên gia, sẽ có những điều chỉnh, nhà đầu tư dễ nhận cú sốc. Đặc biệt với những người vay ngân hàng thì càng nguy hiểm.
GS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cũng lo ngại vấn đề bong bóng tài sản. "Hãy nhìn vào thị trường bất động sản thì thấy, giá tăng mạnh bất chấp cả lúc thị trường vô cùng trầm lắng, ảm đạm; năm 2020 có chỗ tăng tới mức 20-30%, thậm chí còn hơn nữa", ông Thịnh lo ngại.
Theo vị chuyên gia, nhiều người không biết đầu tư vào đâu, họ rót tiền vào thị trường bất động sản rồi đợi giá tăng. Hiện nay các tổ chức đều khẳng định chưa có bong bóng, song lo ngại là vẫn có.