Công trình The Distort House tọa lạc tại thủ đô Jakarta, Indonesia có diện tích rộng tới 300m2, nằm trong một khuôn viên xanh mát mang đậm phong cách nhiệt đới. Xung quanh là sân cỏ rộng có tác dụng làm không gian sống trở nên mềm mại hơn, đồng thời đóng vai trò như điểm chuyển tiếp giữa các khối nhà với công viên thoáng đãng bên cạnh.
Một trong những điểm nhấn thiết kế ấn tượng của The Distort House chính là phần mái nhà có dạng hình nón cổ điển, làm từ chất liệu gạch ngói đất nung không tráng men có khả năng cân bằng nhiệt, giúp phân tán nhiệt vào nhà ít hơn 70%. Thiết kế mái nhà lớn cũng tạo khoảng hiên rộng, mát mẻ, vừa có chốn râm mát cho con trẻ vui chơi, vừa hạn chế tác động của ánh nắng mặt trời vào trong nhà.
Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại, đặt tiêu chí hài hòa với thiên nhiên lên hàng đầu. Đội ngũ kiến trúc sư ưu tiên sử dụng nhiều vật liệu tái chế và vật liệu thân thiện với môi trường để xây dựng công trình.
Để phát huy lợi thế về vị trí của ngôi nhà khi được bao quanh bởi khuôn viên xanh mát, nhóm thiết kế sử dụng hệ vách kính cỡ lớn đóng vai trò làm tường che chắn công trình, đồng thời mở rộng tầm nhìn ra cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp bên ngoài. Những vách kính này làm nổi bật phong cách hiện đại của căn nhà, kết hợp với các khung cửa sổ bằng gỗ tái chế mang đậm nét cổ điển, tạo tổng thể hài hòa nhưng vẫn ấn tượng.
Một điều đặc biệt khác là The Distort House không xây dựng theo một khối hình học vuông vức mà có sự phóng khoáng trong cách khai thác mặt bằng. Công trình bao gồm 1 gian nhà 1 tầng nối liền với gian nhà 2 tầng, ở giữa là khoảng sân vườn xanh mát.
Phòng khách ở gian nhà một tầng được lắp trần thạch cao kết hợp dầm bê tông cá tính. Xung quanh được bao bọc bởi những vách kính trong suốt cùng cửa sổ làm từ gỗ tái chế, tạo nét đẹp vừa hiện đại vừa truyền thống.
Tại khối nhà 2 tầng, tầng trệt được tối đa hóa cho các không gian có nhiều chức năng công cộng và bán công cộng. Tầng trệt gồm phòng khách, bếp, phòng ông bà, phòng cho người giúp việc và công trình phụ.
Ngoài ra, ở tầng trệt bên nhà 2 tầng còn có một phòng sinh hoạt chung nối liền với phòng ăn được thiết kế bán mở. Không gian được mở rộng tối đa như chạm vào thiên nhiên bên ngoài. Kiến trúc sư không xây tường hay vách kính ở khu vực này để gia chủ có chốn tiếp đón khách độc đáo, thoải mái cảm nhận khung cảnh xanh mát bên ngoài bằng mọi giác quan.
Khu vực hành lang kết hợp cầu thang có nhiệm vụ kết nối khối nhà một tầng với khối nhà hai tầng, tạo sự liền mạch cho công trình. Ở đây, gia chủ cũng bố trí trồng các loại cây ưa bóng mát, làm tăng sự đa dạng sinh học cho không gian, đưa thiên nhiên đến gần với cuộc sống sinh hoạt của con người.
Bức tường rộng ở cầu thang được trang trí bằng hệ cửa sổ làm từ chất liệu gỗ với kiểu dáng và kích cỡ đa dạng như cửa lá sách, cửa kính khung gỗ, cửa chớp khung gỗ,... Những ô gạch bông gió bằng bê tông cũng được thiết kế đan xen để tạo nên nét thú vị cho mặt tường bao, đồng thời giúp lưu thông không khí hiệu quả.
Khu vực này cũng thiết kế cả giếng trời để lấy sáng tối đa cho không gian, giúp ngôi nhà luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Tầng trên dành cho không gian riêng tư với tầm nhìn thoáng đãng, mở rộng ra cảnh quan xanh mát bên ngoài. Khu vực này gồm 1 phòng ngủ master và 4 phòng ngủ khác, tạo chốn nghỉ ngơi thoải mái cho những dịp gia chủ có người thân, bạn bè đến chơi.
Ngôi nhà lung linh khi về đêm nhờ sử dụng hệ đèn chiếu ánh sáng vàng, đẹp chẳng kém bất cứ khu nghỉ dưỡng hạng sang nào. Ngoài ra, lối thiết kế ưu tiên sự thoáng đãng, mát mẻ của công trình cũng giúp gia chủ hạn chế sử dụng các thiết bị làm mát, chiếu sáng vào ban ngày, từ đó tiết kiệm điện năng.