Giá BĐS hiện đã là "đáy" của mùa dịch
Vừa bán một căn nhà trên phố Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), gia đình anh Lê Công Đức quyết định phân nhỏ số tiền này ra, một phần để mua 2 căn chung cư trong một dự án lớn trên phố Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm), phần còn lại gửi tiết kiệm.
"Ban đầu, gia đình chỉ có ý định mua 1 căn vì lo mùa dịch, muốn có chút tiền phòng thân. Thế nhưng xem xét mãi, tôi nhận ra giá đang rất tốt, nên mua 2 căn, 1 cho vợ chồng và 2 đứa nhỏ, 1 cho thuê. Với dự án có uy tín, sau này nếu cần tiền, tôi hoàn toàn có thể bán ra với giá chênh lớn", anh Đức nói.
Không phải ai cũng có quyết định nhanh chóng như anh Đức. Trần Hữu Tùng, một tư vấn bất động sản (BĐS) lâu năm ở Hà Nội, tiết lộ, đang có không ít người đắn đo xuống tiền vì đợi giá giảm thêm để ôm quỹ nhà lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, theo anh, khi giá đã xuống đáy như hiện tại, muốn mức thấp nữa chẳng khác nào "mò trăng đáy giếng".
Nếu không tranh thủ đầu tư BĐS từ bây giờ, giá cả sẽ nhanh chóng bật tăng trở lại mạnh hơn.
Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính Cấn Văn Lực phân tích, việc chờ đợi BĐS xuống đáy thấp như giai đoạn 2008- 2009 và 2011- 2013 là không thể. Lý do là bản chất khủng hoảng hoàn toàn khác biệt. Nếu các giai đoạn trước, cầu yếu, cung thừa lại lạm dụng đòn bẩy tài chính dẫn đến thị trường đổ vỡ từ bên trong thì nay vấn đề chỉ là gián đoạn cung – cầu vì Covid 19.
Vì thế, theo ông Lực, đây chỉ là cú sốc ngắn hạn và thị trường sẽ bật trở lại rất nhanh.
"Với sự quyết liệt của Chính phủ, tôi tin rằng, tình hình dịch bệnh sẽ cơ bản được kiểm soát trong quý 2. Hoạt động kinh tế xã hội sẽ tăng bật trở lại và phân khúc BĐS nhà ở, mặt bằng cho thuê sẽ phục hồi sớm nhất", ông Lực nhận xét.
Đầu tư ngay kẻo lỡ
Các chuyên gia kinh tế phân tích, BĐS khó tạo thêm đáy bởi bản chất thị trường đang lành mạnh, thậm chí thừa cầu – thiếu cung và đặc biệt là không thiếu tiền.
Nguồn cung hiện tại đã bị thắt chặt do những vướng mắc về chính sách trong suốt năm 2019 đến nay. Báo cáo quý 1 của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam phần nào cho thấy điều này khi lượng căn hộ mở bán chính thức tại Hà Nội chỉ đạt 4.600 căn, giảm 65% so với quý IV/2019. Tại TP. HCM, con số này thậm chí chỉ là 2.256 căn, mức thấp nhất từ năm 2014.
Trong khi đó, nhu cầu mua nhà ở, hay đầu tư lại đang tăng chóng mặt. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam còn tiết lộ, rất nhiều "tay to" đang có 30-50 tỷ đồng, thậm chí là vài trăm tỷ đồng gửi ngân hàng với lãi suất ngắn hạn và đã sẵn sàng bung vào BĐS. Lực cầu mạnh với những nhà đầu tư có thực lực sẽ khiến các dự án vốn đã ít hàng sẽ càng hết nhanh khi thị trường hoạt động trở lại.
Ở một góc độ khác, ông Cấn Văn Lực dự báo sẽ có dòng vốn đầu tư mạnh với xu hướng dịch chuyển từ nhiều thị trường nước ngoài về Việt Nam bởi sự điều phối quá ấn tượng của Chính phủ sau dịch Covid 19. Lượng tiền trong nước vốn đã có sẵn, nay lại thêm vốn ngoại sẽ khiến cho thị trường BĐS sớm sôi động hơn hẳn thời gian trước.
Ngoài ra, BĐS cũng đã được Chính phủ đưa vào gói hỗ trợ Doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đang có kế hoạch để cơ cấu lại kỳ hạn nợ cho khách và giảm lãi vay BĐS. Điều này đã giúp giảm áp lực lên thị trường.
Như vậy, với một thị trường lành mạnh, cầu lớn, dòng tiền tốt cùng chính sách hỗ trợ tốt của Nhà nước, giá BĐS sẽ sớm nóng trở lại và thậm chí là lên cơn sốt khi qua đỉnh dịch. Bởi vậy, vấn đề đặt ra với các nhà đầu tư nhạy bén không còn là "xuống tiền bây giờ có sớm không?" mà phải là "đầu tư ngay bây giờ liệu đã muộn chưa?"./.